Hưởng ứng chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua nhiều tổ chức tín dụng đã đẩy mạnh cho vay khu vực nông nghiệp - nông thôn. Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, đây được coi là tín hiệu tốt để gỡ khó vấn đề vốn cho khu vực nông thôn.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến thời điểm này dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt gần 600.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, nguồn vốn của hệ thống ngân hàng trải đều ở tất cả các lĩnh vực thuộc ngành nông nghiệp. Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều thách thức như hiện nay, có một số ngân hàng hướng về địa bàn nông thôn coi đây là lối thoát cho lượng vốn khá dồi dào của mình.
Có tín hiệu tốt về dòng vốn tín dụng cho khu vực nông thôn phục vụ sản xuất (Ảnh: Nongdan) |
Ông Nguyễn Văn Hoàn, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Đại Dương, cho biết: Lãi suất cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn được thực hiện theo biểu lãi suất hiện hành của OceanBank, căn cứ vào thời gian sinh trưởng vật nuôi, cây trồng, thời gian luân chuyển vốn, khả năng trả nợ của khách hàng, OceanBank sẽ thoả thuận với khách hàng thời hạn vay vốn phù hợp. Song song với việc cấp tín dụng chúng tôi vẫn yêu cầu trên hệ thống phải rà soát các tiêu chuẩn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và quản trị rủi ro một cách chặt chẽ.
Không chỉ OceanBank, nhiều ngân hàng khác cũng đang triển khai các giải pháp để khơi thông nguồn tín dụng cho nông nghiệp - nông thôn. Trên cơ sở kết hợp tối đa các nguồn vốn, một số ngân hàng đã có chính sách lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 1%-2%/năm so với cho vay lĩnh vực khác.
Ông Trần Xuân Quảng, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng Hải Việt Nam cho biết: “Chúng tôi có chủ trương giảm lãi suất tối đa từ 1-2% với một số nhóm khách hàng nhất định. Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu nghe ngóng tín hiệu của thị trường trong công tác phát triển huy động vốn để điều chỉnh lãi suất cho vay.”
Còn theo ông Nguyễn Viết Mạnh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước luôn chỉ đạo quyết liệt để dành nguồn vốn tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng hiện khá dồi dào, nhưng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu. Để người nông dân có thể tiếp cận được nhiều hơn với nguồn vốn, điều quan trọng là các ngân hàng thương mại phải tính đến tập quán của người dân và nhu cầu chi tiêu của hộ nông dân.
Nhưng ông Nguyễn Viết Mạnh cũng lưu ý: Quyết định cho vay phải được thẩm định cho kỹ càng đủ điều kiện. Ngay khi thiết kế các điều kiện cho vay vốn các ngân hàng cũng phải đưa các yếu tố thu hồi nợ lên hàng đầu để tránh nợ xấu sau này.
Từ nay cho đến cuối năm, hệ thống Ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai các chính sách tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời sẽ tiếp tục thực hiện giãn, hoãn nợ; giảm một phần lãi đối với những khoản nợ xấu…Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cũng cần nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất cho vay một số chương trình mới, phù hợp với quy trình sản xuất của bà con./.