Sáng nay (8/11), tại Hà Nội, diễn ra Hội thảo “Kinh tế và quản lý xây dựng – Những vấn đề lý luận và thực tiễn” do Bộ Xây dựng và Trường Đại học Xây dựng phối hợp tổ chức.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đánh giá, đây cũng là dịp để các chuyên gia đầu ngành, nhà khoa học, các nhà quản lý, những người có nhiều tâm huyết với công tác kinh tế và quản lý xây dựng thể hiện các quan điểm khoa học liên quan đến các vấn đề bức thiết trong lĩnh vực xây dựng.

botruongdungvn.jpg
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Báo Xây dựng)

Hoạt động đầu tư xây dựng và sự phát triển của ngành xây dựng gắn liền với sự phát triển chung của đất nước, cả ở khu vực đô thị và nông thôn. Hoạt động quản lý kinh tế xây dựng là một lĩnh vực quan trọng, là trụ cột để tạo ra sức tăng trưởng của nền kinh tế cũng như góp phần tạo ra sự tăng trưởng, đảm bảo vấn đề an sinh xã hội.

Ở Việt Nam, trong giai đoạn 2005-2012, bình quân hàng năm tổng vốn đầu tư xã hội chiếm 37,2% GDP, cá biệt có năm chiếm tới 42,7% GDP. Trong 2 năm 2011- 2012, tuy tỷ lệ này giảm đi do tác động của khủng hoảng kinh tế, vốn đầu tư xã hội của cả nước chỉ còn chiếm 30,5% GDP nhưng giá trị của nó đã lên tới 989.300 tỷ đồng, trong đó đầu tư từ khu vực nhà nước là 374.300 tỷ, chiếm 37,8% tổng số vốn đầu tư xã hội của cả nước. Năm 2013, chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm, giá trị sản xuất của toàn ngành xây dựng (tính theo giá thực tế) đã đạt 531,9 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Dũng cũng chỉ rõ: bên cạnh những kết quả quan trọng, hoạt động đầu tư xây dựng vẫn còn tồn tại một số vấn đề về tình trạng thất thoát lãng phí; đầu tư dàn trải, chạy theo phong trào, thiếu quy hoạch và kế hoạch; chất lượng công trình còn nhiều vấn đề; mô hình quản lý dự án còn nhiều bất cập; hiệu quả đầu tư phát triển thấp (hệ số ICOR tuy đãgiảm từ 6,7 (trong giai đoạn 2008 – 2010) xuống còn 5,53 (trong giai đoạn 2011 – 2013) nhưng vẫn còn khá cao so với các nước có điều kiện tương tự; tính chuyên nghiệp trong quản lý và thực hiện dự án đầu tư xây dựng còn hạn chế,…); tính chuyên nghiệp trong quản lý và thực hiện dự án đầu tư xây dựng còn hạn chế,…

Ông Lê Văn Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết, Trường sẽ tiếp tục đào tạo và cung cấp những nhà kinh tế, quản lý xây dựng có chất lượng tốt nhất, góp phần hữu ích cho xã hội, cho ngành cũng như các tổ chức, cá nhân có liên quan, giúp cho công tác đầu tư xây dựng và công tác quản lý đầu tư xây dựng có hiệu quả cao hơn.

Hội thảo cũng đã nghe một số báo cáo chia sẻ kinh nghiệm từ các chuyên gia đến từ Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc về một số nội dung như: Kinh nghiệm cá nhân về quản lý hợp đồng trước và sau khi ký; kinh tế xây dựng và công  tác quản lý đầu tư ở Trung Quốc; lý luận và thực tiễn của việc đo bóc tiên lượng và tính dự toán dựa trên mô hình thông tin công trình – Nghiên cứu tình huống; phương pháp lập dự toán tiền hợp đồng – Cách tiếp cận theo bộ phận kết cấu công trình; phương pháp xác định dự toán xây dựng và dự toán chi phí gói thầu đối với công trình công cộng tại Nhật Bản…/.