pham-thanh-binh.jpg
Cựu tổng giám đốc Phạm Thanh Bình (bên phải) - Ảnh: VTC

Sáng 28/8, tại Hải Phòng, Tòa án nhân dân tối cao mở phiên toà phúc thẩm xét xử vụ án cố ý làm trái qui định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) theo đơn kháng cáo của các bị cáo.

Phiên tòa do bà Đào Thị Nga – Phó Chánh tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao làm Chủ tọa.

Sau khi làm các thủ tục cần thiết, Hội đồng xét xử tiến hành thẩm vấn bị cáo Phạm Thanh Bình- nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam-Vinashin; Trần Văn Liêm - nguyên Trưởng ban kiểm soát Vinashin, nguyên Giám đốc Công ty Viễn Dương; Hoàng Gia Hiệp - nguyên Phó tổng giám đốc Công ty Tài chính Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Công nghiệp tàu thủy, giám đốc Công ty cho thuê tài chính Công nghiệp tàu thủy về những sai phạm trong việc mua tàu Hoa Sen.  

Bị cáo Phạm Thanh Bình đề nghị HĐXX xem xét lại 3 vấn đề: bối cảnh động cơ phạm tội; Tính toán lại các khoản bồi thường; Tình tiết giảm nhẹ.

Bị cáo Phạm Thanh Bình khẳng định, việc đầu tư mua tàu Hoa Sen và đưa vào hoạt động, ban đầu thì lỗ và dần dần có lãi. Tuy nhiên sau đó, do khủng hoảng kinh tế lớn nên việc thua lỗ gia tăng. Bị cáo cũng thừa nhận, trong việc mua tàu Hoa Sen đã có những phê duyệt đi trước, không theo qui định. 

“Sai phạm mua tàu Hoa Sen là do tôi hiểu không đúng ý kiến của Chính phủ nên đã quyết sai; có những quyết định trái với quy định về đầu tư…” – bị cáo nói.

Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Phạm Thanh Bình bị phạt 20 năm tù, Trần Văn Liêm 19 năm tù, 2 bị cáo này cũng phải chịu trách nhiệm bồi thường về dân sự hơn 400 tỷ đồng do những sai phạm liên quan đến việc mua tàu Hoa Sen. Bản án sơ thẩm khẳng định đây là tàu cũ sản xuất năm 2001. Được đưa về nước, tàu chỉ chạy được 39 chuyến đã phải dừng hoạt động vì kinh doanh không có hiệu quả. Theo cáo trạng của Viện kiểm sát việc cố tình mua con tàu này đã gây thiệt hại hơn 470 tỷ đồng.  

Dù một mực kêu án sơ thẩm quá nặng nhưng các bị cáo đều cúi đầu thừa nhận các vi phạm của mình trước tòa trong việc mua tàu Hoa Sen.

Phiên tòa khai mạc lúc 8h, sáng 28/8, tại Hải Phòng. Trong phiên tòa phúc thẩm, dự kiến có 19 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo có đơn kháng cáo, nhưng có một luật sư vắng mặt. Ngoài ra, có 4 nhân chứng vắng mặt tại tòa nhưng đã có đơn gửi tới phiên tòa khẳng định giữ nguyên lời khai như phiên sơ thẩm.

Sau khi trao đổi với đại diện Viện kiểm sát có quyền công tố tại tòa, Thẩm phán Đào Thị Nga quyết định tiếp tục phiên tòa.

Hội đồng xét xử tiến hành kiểm tra lý lịch của các bị cáo và phổ biến các quyền và trách nhiệm của các bị cáo tại phiên tòa.

Thẩm phán Đào Thị Nga đọc tóm tắt bản án sơ thẩm và nội dung kháng cáo của các bị cáo trước tòa. Theo cáo trạng, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, hành vi phạm tội xảy ra trên phạm vi rộng, ở nhiều lĩnh vực, gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại về kinh tế trên 990 tỷ đồng.

Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 3 ngày, từ 28-31/8./.