Tạo đột phá về kết cấu hạ tầng, trong đó có kết cấu hạ tầng GTVT là một trong 3 đột phá chiến lược đã được đề ra từ Đại hội Đảng lần thứ XI nhằm sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Riêng lĩnh vực GTVT, đến nay đã thu hút được 220 dự án theo phương thức PPP với tổng vốn đầu tư 387 ngàn tỷ đồng, trong đó nhiều dự án đã được hoàn thành góp phần tích cực hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

ha_tang_giao_thong_fvkq.jpg
 

Tại  tọa đàm “Giải pháp thúc đẩy đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo phương thức PPP” do Tạp chí Nhà Đầu tư phối hợp với Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam tổ chức, các ý kiến cho rằng, việc hiện thực chủ trương khuyến khích đầu tư theo phương thức PPP nói chung và đầu tư theo phương thức PPP vào lĩnh vực GTVT nói riêng còn bộc lộ không ít bất cập, hạn chế; kết quả thu hút vốn và chất lượng các dự án đầu tư chưa đạt như kỳ vọng, nhất là nguồn vốn nước ngoài đầu tư vào kết cấu hạ tầng GTVT chưa đáng kể!

Cần khung khổ pháp lý riêng cho PPP

Thực tế, nhiều dự án PPP gặp không ít vướng mắc về cơ chế, chính sách, dẫn đến tình trạng triển khai chậm, kém hiệu quả và xung đột lợi ích giữa các nhà đầu tư và người sử dụng dịch vụ công, tạo dư luận tiêu cực về dự án PPP, nhất là trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Theo đánh giá của cả các chuyên gia và các nhà đầu tư, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nói trên là do cho đến nay chưa có một khung khổ pháp lý cao nhất và rõ ràng, đầy đủ cho nhà đầu tư theo phương thức PPP.

Hoạt động đầu tư theo phương thức PPP chịu sự điều chỉnh của Nghị định Chính phủ và quy định của các luật khác, mà chưa có một luật riêng về PPP.

Cũng chính vì vậy, các nhà đầu tư đang đặt kỳ vọng rất lớn vào dự Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư sẽ được Quốc hội xem xét cho ý kiến trong vài ngày tới, đồng thời mong muốn được tiếp tục góp ý kiến để dự luật phù hợp với điều kiện và đòi hỏi thực tiễn của nước ta, thực sự tháo gỡ được các vướng mắc, pháp lý diễn ra trong thời gian qua.

 

Theo ông Nguyễn Đăng Trương-Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thư ký Ban soạn thảo – Tổ trưởng Tổ biên tập Dự án Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư: Khi dự án PPP sử dụng hỗn hợp vốn đầu tư công và vốn tư nhân, một số ý kiến cho rằng cần phân tách rõ phần “vốn công” và phần “vốn tư” để thuận lợi cho công tác quản lý, hậu kiểm (tránh tâm lý e ngại của các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài)”.

Để giải quyết băn khoăn này, Dự thảo Luật quy định 02 hình thức quản lý và sử dụng vốn đầu tư công trong dự án PPP, cụ thể: Tách thành một dự án thành phần sử dụng vốn đầu tư công trong dự án PPP; Giải ngân cho doanh nghiệp dự án theo hạng mục cụ thể (có thể tách thành các gói thầu sử dụng vốn đầu tư công) với tỷ lệ, giá trị, tiến độ giải ngân được quy định tại hợp đồng.

Dự thảo quy định các nội dung đặc thù của doanh nghiệp dự án PPP, bảo đảm đồng bộ với quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014. Theo đó, Doanh nghiệp dự án PPP được thành lập cho mục đích duy nhất là thực hiện dự án PPP theo hợp đồng được ký kết; Doanh nghiệp dự án PPP được phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn thứ cấp sau khi hoàn thành xây dựng công trình đối với dự án có cấu phần xây dựng hoặc sau khi chuyển sang giai đoạn vận hành đối với dự án không có cấu phần xây dựng; Doanh nghiệp dự án PPP không được phát hành cổ phiếu đại chúng.

Cần có cơ chế huy động, sử dụng vốn hiệu quả

GS.TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng: "Nếu chúng ta đang làm việc quan trọng thì cần phải huy động vốn rất nhiều, nhưng chúng ta vẫn cứ ngại không dám mở ra cơ chế có thể huy động được".

Ông cho biết thêm: Chúng ta mất 5 năm trong việc đề ra cơ chế nước sạch, năng lượng nhưng cho đến năm 2017 mới có quyết định về giá điện mặt trời. Chúng ta cần vốn, nhưng nếu không có đột phá về cơ chế thì không thể và việc mở ra một cơ chế cho nhà đầu tư còn rất lúng túng.

Cơ chế bảo đảm quan trọng nhất là nhà đầu tư được Bộ GTVT và địa phương bảo đảm lộ trình thu phí. Xung đột giữa nhà đầu tư và người dân địa phương sẽ gây lỗ cho nhà đầu tư. Mong rằng cơ chế đảm bảo này sẽ rõ ràng hơn, cụ thể hơn để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề huy động vốn, theo Dự thảo Luật PPP hiện tại, vai trò vốn nhà nước để hỗ trợ giải phóng mặt bằng, hỗ trợ thi công xây dựng. Quy mô và phân loại dự án đang đề xuất ở mức tối thiểu 200 tỷ đồng. Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, như vậy là hơi thấp.

Theo thông lệ quốc tế mức này rơi vào khoảng từ 50-100 triệu USD (tương đương 1.000 – 2.000 tỷ đồng). Việc quy định mức tối thiểu hiệu quả thấp vô hình chung sẽ kéo dài thời gian đầu tư dự án. Vì vậy, nên cân nhắc quy định một mức chung theo dải từ mấy trăm triệu hoặc mấy trăm tỷ đến mấy trăm tỷ.

Với quy định coi phát hành trái phiếu là nguồn vốn thứ cấp trong Dự thảo, ông Cấn Văn Lực cho rằng không phù hợp và cần thiết. Việc huy động vốn theo hình thức nào nên là phương án của doanh nghiệp, quản trọng là tối ưu hoá lợi ích.

Hiện nay việc huy động vốn ngân hàng thương mại đang rất khó. NHNN cũng có quy định vay dự án chuyên biệt, với loại hình doanh nghiệp BOT là xong dự án sẽ giải tán. Với loại hình này rủi ro sẽ lớn hơn doanh nghiệp thông thường với trọng số rủi ro lên tới 160% trong khi doanh nghiệp thường chỉ là 100%, vì vậy việc huy động vốn qua thị trường trái phiếu là rất quan trọng với doanh nghiệp BOT.

Ở khía cạnh khác, theo ông Nguyễn Mại, trong luật đầu tư PPP chúng ta cần làm rõ cơ chế bảo lãnh, nhà nước phải cam kết hỗ trợ công trình trong việc giải phóng mặt bằng để có thể tiến hành dự án theo đúng kế hoạch.

“Trong đầu tư theo phương thức đối tác công tư có thể nói cơ chế bảo lãnh, chia sẻ rủi ro là nội dung quan trọng nhất. Thiếu cơ chế bảo lãnh, chia sẻ rủi ro là nguyên nhân chính hạn chế sự hấp dẫn của nhà đầu tư nhất là đối với nhà đầu tư nước ngoài”./.