Giải trình trước Quốc hội chiều 29/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng đã thẳng thắn nói về một thời kỳ không mấy tốt đẹp của đầu tư công - thời gian trước khi Luật Đầu tư công ra đời.

Áp lực phải đi "xin" vốn

Bộ trưởng KHĐT cho biết, trước khi ban hàng Luật Đầu tư công, việc quản lý đầu tư công phân tán, gây hệ quả lớn là các quyết định đầu tư dự án dàn trải, tuỳ tiện. "Quyết định đầu tư nhưng không biết tiền ở đâu và có bao nhiêu", ông Dũng nói.

 Điều này đã tạo nên áp lực phải đi "xin vốn", mà nếu không đủ vốn thì lại "ứng trước", khiến kéo dài nợ đọng và hiệu quả dự án không cao.

bo_truong_dung_vntc.jpg
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình trước Quốc hội chiều 29/10.

Luật Đầu tư công được ban hành với mục đích khắc phục những vấn đề này. Kể từ khi Luật có hiệu lực, theo đánh giá của Bộ trưởng Dũng, nó đã làm được 2 việc nổi bật, đó là khắc phục được việc đầu tư dàn trải, phân tán và chấm dứt nợ đọng xây dựng cơ bản.

Giai đoạn 2011-2015 đã khởi công, thực hiện gần 21.000 dự án nhưng trong kế hoạch 2016-2020 đã giảm xuống còn 9.620 dự án. Trong đó, có hơn 8.000 dự án của giai đoạn 2011 2-2015 chuyển tiếp sang giai đoạn 2016-2020.

"Chúng ta đã thực hiện giảm dàn trải, tập trung vào trả nợ xây dựng cơ bản hết 9.000 tỷ đồng, trả nợ phần vốn đã ứng trước kế hoạch trong giai đoạn cũ là hơn 50.000 tỷ đồng. Vốn cho hơn 8.000 dự án chuyển tiếp chiếm gần 65% số vốn", Bộ trưởng Dũng cho hay.

Bên cạnh đó, sau khi ban hành Luật Đầu tư công chúng ta đã xử lý được tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản. Từ sau 1/1/2015, nếu phát sinh nợ đọng cơ bản là vi phạm pháp luật. Qua đó, ý thức chấp hành pháp luật về đầu tư công đã được nâng lên rõ rệt.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư cũng chỉ ra những hạn chế đó là việc áp dụng Luật Đầu tư công trong thực tiễn cũng có những hạn chế như giao vốn chậm, giao nhiều lần, hiệu quả dự án chưa cao..., nhưng cũng khẳng định Bộ và các cơ quan chức năng nhận thức được vấn đề.

Hạn chế "ăn đong"

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định, Nghị quyết để tháo gỡ các ách tắc, rào cản liên quan đến Luật Đầu tư công cũng như Luật đang được sửa đổi, hoàn thiện trong thời gian sắp tới.

 Các quyết định cũng được công khai, minh bạch và gắn với trách nhiệm của các cơ quan tổ chức liên quan các khâu, đoạn phân bổ vốn, đặc biệt là người đứng đầu của các dự án, ông Dũng khẳng định.

 Trước đây nguồn vốn đầu tư công được xây dựng hàng năm nên xảy ra tình trạng "ăn đong", "xin - cho", vốn ít nhưng dự án thì nhiều, dàn trải dẫn đến nợ đọng. Nhưng hiện nay đã làm theo kế hoạch 5 năm cộng với rà soát hàng năm đã hạn chế rất nhiều tình trạng này. Theo đó, các dự án sẽ được gói gọn trong 5 năm để xem xét có bao nhiêu tiền từ đó chủ động chọn dự án, sắp xếp ưu tiên, đảm bảo làm dự án nào là phải đủ vốn ngay và làm xong đưa vào sử dụng khai thác ngay.

Tuy nhiên, 5 năm là kế hoạch còn việc chi tiền thì phải cân đối theo số thu ngân sách thực tế hàng năm, Bộ trưởng KHĐT lưu ý./.