Theo báo cáo của Chính phủ, Luật Đầu tư công có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ và hoàn chỉnh để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý hoạt động đầu tư và sử dụng vốn đầu tư công; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư theo đúng mục tiêu, định hướng của chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; chống thất thoát, lãng phí; bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quản lý đầu tư công.

dau_tu_cong_aejf.jpg
Quy trình, thủ tục thẩm định nguồn, khả năng cân đối vốn, giao vốn, điều chỉnh kế hoạch vốn đang gây khó khăn, kéo dài thời gian, chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. (Ảnh minh họa: KT)
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Luật Đầu tư công đã thể hiện và cụ thể hóa được chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước đối với công tác quản lý nhà nước về đầu tư công, đã tạo ra hệ thống pháp luật đồng bộ để quản lý toàn bộ quá trình đầu tư công. 

Tuy đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng trong quá trình triển khai thực hiện Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn thi hành vẫn còn tồn tại một số hạn chế. 

Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Theo đánh giá của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc hình thành nhiều quy trình mới, thủ tục phức tạp, dẫn tới các cơ quan, địa phương thực hiện khó nắm vững và thực hiện thống nhất các quy định của Luật, nhiều cơ quan, địa phương vẫn còn lúng túng, triển khai thực hiện một số quy định còn chưa phù hợp, một số nội dung không đúng với các quy định của pháp luật, trái thẩm quyền, mất nhiều thời gian để hoàn thiện thủ tục do hồ sơ dự án phải thông qua nhiều cấp nhiều cơ quan từ trung ương đến địa phương, thủ tục hành chính phức tạp, phân cấp trách nhiệm chưa triệt để....

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, một số quy định trong Luật Đầu tư công còn cứng nhắc, hoặc chưa đầy đủ nên dẫn tới tình trạng các quy định đã không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Điển hình là trong công tác thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, bố trí vốn không phù hợp với các nguyên tắc, tiêu chí được cấp có thẩm quyền quy định, tồn tại nhiều bất cập trong điều chỉnh dự án, điều chỉnh kế hoạch, giao vốn nhiều lần và kéo dài thời gian giao vốn; khó theo dõi, đánh giá, kiểm tra kế hoạch, chương trình, dự án.

Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy Ban các vấn đề xã hội của Quốc hội
Đề cập đến hiệu quả đầu tư công, Đại biểu Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy Ban các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh: Không nên đầu tư tràn lan, đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm, quan tâm đến chất lượng và hiệu quả.

Trước đây, xóa đói giảm nghèo trên diện rộng còn giờ phải tập trung vào chất lượng để giải quyết vấn đề trọng điểm "lõi nghèo" sao cho hiệu quả cao hơn, ông Lợi lưu ý, đồng thời đề nghị Quốc hội nên ủng hộ Chính phủ bố trí nguồn ngân sách để đảm bảo an cư lạc nghiệp cho người dân, đặc biệt là cho những đối tượng thu nhập thấp.

Cũng băn khoăn về chất lượng đầu tư công, trong đó có lĩnh vực hạ tầng giao thông, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, các dự án đầu tư vào hạ tầng giao thông tiến triển chậm. Việc này có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc khó khăn về nguồn vốn.

Thực tế, nếu chỉ dựa vào vốn vay và vốn Nhà nước thì khó có thể phát triển được hạ tầng kinh tế kỹ thuật trong đó có giao thông. Chính vì vậy, thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có chủ trương đầu tư theo hình thức PPP để triển khai các dự án giao thông, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay.

Ông Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải
Người đứng đầu ngành giao thông nêu thực tế: Thủ tục đầu tư công qua rất nhiều công đoạn, dự án được phê duyệt xong lại tiếp tục đấu thầu lập thiết kế bản vẽ thi công và dự toán, khảo sát thiết kế. Sau khi phê duyệt xong dự án thiết kế kỹ thuật và dự toán rồi mới tổ chức đấu thầu quốc tế, lập hồ sơ mời thầu…

"Thủ tục đầu tư công hiện quá rườm rà, kéo dài. Mỗi một công đoạn tốn rất nhiều thời gian, qua nhiều bộ phận, nhiều khâu trung gian. Trong khi tư nhân chỉ mất 1,5 - 2 năm là xây xong sân bay Vân Đồn. Với ngần ấy thời gian, mình mới chỉ xong dự án", ông Nguyễn Văn Thể nói.

Một lần nữa nhấn mạnh hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng trong 3 - 4 năm nay chậm triển khai các dự án nguyên nhân chủ yếu do thời gian hoàn tất thủ tục quá dài, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề xuất: Muốn rút ngắn thời gian thì khi phê duyệt cần ấn định mỗi việc bao nhiêu ngày, bớt khâu trung gian đi. Ai làm sai người đó chịu trách nhiệm./.