Bộ Tài chính vừa công bố Dự thảo Luật thuế tài sản. Theo đó, đề xuất một số phương án đánh thuế đối với việc sở hữu nhà, đất. Luật thuế này nếu được thông qua sẽ có những tác động rất lớn tới hàng triệu người dân bởi đối tượng chịu thuế rất rộng.

Cụ thể, với nhà ở, Bộ Tài chính xây dựng 2 phương án đánh thuế: một là đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên; hai là nhà ở có giá trị 1 tỷ đồng trở lên. Điều này có nghĩa, phần bị đánh thuế tài sản là phần có giá trị trên 700 triệu đồng hoặc trên 1 tỷ đồng.

du_thao_thue_tai_san_kxut.jpg
Đề xuất thu thuế tài sản: hàng triệu gia đình phải nộp thuế (Ảnh minh họa: KT)

Hai phương án thuế suất thuế tài sản được tính đến là áp dụng mức thuế suất thuế tài sản chung là 0,3% hoặc 0,4%.

Theo Bộ Tài chính, với thuế suất 0,3%, dự kiến số thu thuế tài sản khoảng 22.700 tỷ đồng nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 1 tỷ đồng. Còn nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng thì số thu thuế tài sản sẽ khoảng 23.300 tỷ đồng.

Với phương án thuế suất 0,4%, số thu thuế tài sản khoảng 30.300 tỷ đồng nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 1 tỷ đồng hoặc khoảng 31.000 tỷ đồng (nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng).

Tuy nhiên, Bộ Tài chính đề nghị thực hiện theo phương án thuế suất 0,4% và áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng.

Hàng triệu gia đình phải nộp thuế tài sản

Ngay sau khi dự thảo của Bộ Tài chính được công bố đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều, trong đó, phần đông là không ủng hộ.

Chị Nguyễn Mai Hồng (ở Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, gia đình chị tích góp gần 10 năm, cộng thêm vay của ngân hàng để mua một căn hộ chung cư 1,8 tỷ đồng. Nếu áp dụng việc 0,4% với phần chênh lệch ngoài 700 triệu, mỗi năm gia đình chị sẽ phải mất thêm 4.400.000 đồng tiền thuế tài sản. Chưa kể tiền thuế đất hàng năm theo quy định. Đây là một áp lực lớn cho gia đình chị.

“Tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, nhà có giá dưới 700 triệu rất hiếm, chủ yếu là nhà ở xã hội hoặc xa trung tâm. Nên nếu tính giá nhà từ 700 triệu đồng trở lên phải nộp thuế thì không có mấy nhà không phải nộp thuế”, chị Hồng nói.

Còn theo anh Phạm Anh Dương (ở Ngô Sỹ Liên, quận Đống Đa, Hà Nội), thuế tài sản nếu áp dụng, nên tính từ ngôi nhà thứ 2, hoặc như ô tô trên 1,5 tỷ đồng có thể chấp nhận được. Vì đánh vào ngôi nhà thứ 2 để tránh đầu cơ hoặc đánh vào ô tô đắt tiền là thu thêm của người giàu, hạn chế phương tiện cá nhân.

“Khi mua nhà, đã chịu thuế trước bạ, chuyển quyền sử dụng đất và rất nhiều loại phí. Giờ lại thêm thuế tài sản, thu hằng năm cho ngôi nhà đầu tiên là cực kỳ vô lý”, anh Phạm Anh Dương bức xúc.

Thu thuế phải vừa với sức dân

Theo TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, về nguyên tắc, thu thuế về tài sản, bất động sản là phù hợp với thông lệ quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh thuế bất động sản của Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, phải tính toán thật kỹ sao cho vừa sức dân.

Ông Lê Đăng Doanh cho rằng, việc áp đặt ngưỡng 700 triệu đồng để đánh thuế là một cách vận dụng định mức rất lỗi thời. Người dân đã phải bỏ tiền ra, thậm chí vay ngân hàng để mua nhà, giờ lại bị đánh thuế nữa thì sẽ rất khó khăn nên họ phản ứng tiêu cực là điều dễ hiểu. Cộng thêm với đề xuất đánh thuế ôtô và tăng các loại thuế khác như thuế môi trường trong xăng dầu, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân... làm cho người dân cảm thấy bị sốc.

Theo ông Doanh, Bộ Tài chính đang đứng trước sức ép rất lớn là phải bù đắp cho nguồn thu thuế nhập khẩu bị giảm sút do Việt Nam tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do. Theo đó, các mặt hàng nhập khẩu sẽ có thuế suất 0% hoặc tối đa 5%, làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước cho nên động cơ đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính là có thể hiểu được.

Tuy nhiên, với một quốc gia có thu nhập trung bình thấp như ở Việt Nam, Ngân hàng Thế giới đã khuyến cáo chỉ nên thu thuế khoảng 18% GDP, không nên thu thuế cao hơn để khoan sức dân, để người dân có lợi nhuận tái đầu tư.

"Hiện nay chúng ta đã thu thuế lên đến khoảng 32% GDP, tức là rất cao so với khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới và đây là điều chúng ta phải suy xét. Cách tốt nhất hiện nay là giảm chi, cắt bỏ những bộ máy chi tiêu lãng phí chứ không phải là tăng thu thuế như hiện nay", TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh./.