Như VOV đã phản ánh trong bài viết trước về nuôi cá lồng “một vốn bốn lời", sau gần 10 năm, tuy là nghề mới, song nuôi cá lồng đang mang đến hiệu quả tích cực; nhiều hộ nuôi cá đã, đang vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng ngay trên chính mảnh đất quê hương.
Để có được kết quả này, ngoài các chính sách hỗ trợ cụ thể của tỉnh, còn phải kể đến sự sát sao của các cấp ủy đảng cơ sở, đặc biệt là vai trò tiên phong của các đảng viên ở các bản, làng trong việc triển khai thực hiện chương trình.
Ông Lèo Văn Lay, Bí thư đảng ủy xã Mường Trai, huyện Mường La khi nhìn lại 10 năm thực hiện chủ trương nuôi cá lồng của tỉnh, của huyện đã say sưa ví với chiếc phao hữu hiệu neo đỡ các hộ dân trong xã khi đang loay hoay giữa dòng tìm lối thoát nghèo. Khi bắt đầu triển khai, các đảng viên ở từng chi bộ được vận động làm trước.
Từ vài lồng ban đầu, giờ đây, toàn xã Mường Trai đã có hơn 400 lồng cá; nhiều gia đình chủ hộ là đảng viên đã có hàng chục lồng cá.
Từ vài lồng bè ban đầu, giờ đây xã Mường Trai huyện Mường La đã có hơn 400 lồng cá. |
Đảng viên Cầm Văn Sâm, bản Lả Mường còn tiên phong đầu tư hàng trăm triệu đồng làm mô hình mới là ngăn khe để nuôi cá cho biết: “Bà con ở bản tôi bao năm vốn chỉ quen làm nương làm ruộng. Khi có chủ trương nuôi cá lồng, vì chưa quen làm nên mọi người ai cũng lo ngại. Mình là đảng viên phải tiên phong. Nghĩ thế, nên gia đình tôi huy động toàn bộ vốn, vay mượn thêm một ít nữa làm 3 lồng cá; gần đây thử mô hình mới là ngăn suối Tốm với hồ để nuôi, kết quả thấy rất ổn, trong bản bây giờ mấy hộ cũng đang muốn làm theo.”
- Phục vụ xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La, xã Mường Trai, huyện Mường La đã phải di chuyển hơn 1.000 hộ dân ra khỏi vùng ngập lòng hồ.
- Nước dâng, ruộng vườn ngập hết, hơn 400 hộ dân còn lại phải tìm hướng sản xuất mới.
Chiềng Bằng trước đây được coi là vựa lúa của huyện Quỳnh Nhai, nhưng đến năm 2010, hồ thủy điện Sơn La tích nước, xã đã thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ cấp tỉnh, huyện trong việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất, khai thác hiệu quả diện tích mặt hồ thủy điện để nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Nghị quyết này đã được từng chi bộ trong xã triển khai thường xuyên, liên tục trong suốt 9 năm qua, thấm vào từng đảng viên.
“Trong thời gian nuôi cá thì tôi thấy rất là hiệu quả so với làm ngô, làm sắn, làm nương. Rất là tăng thu nhập cho gia đình, làm được nhà cửa, rồi là mua sắm xe máy, thuyền cộ cho gia đình, gia đình rất là vui mừng” - anh Lò Văn Ban, bản Bung Én, xã Chiềng Bằng nói.
Đảng viên Cầm Văn Sâm, bản Lả Mường là người tiên phong đầu tư cho mô hình mới nuôi cá lồng. |
Quỳnh Nhai là một trong 3 địa phương ở Sơn La có mặt nước rộng lớn, hơn 10.500 ha. Triển khai thực hiện Nghị quyết về phát triển thủy sản của tỉnh, cấp ủy địa phương đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, chú trọng các chính sách hỗ trợ sản xuất cho nông dân.
Ông Ngô Trí Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Quỳnh Nhai cho biết: Việc Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận sản phẩm “Cá Sông Đà – Sơn La” chính là cơ sở quan trọng để sản phẩm cá Sông Đà vươn ra thị trường lớn.
“Chương trình phát triển thủy sản là một trong ba định hướng lớn về phát triển kinh tế xã hội của huyện, chính vì vậy đảng bộ huyện Quỳnh Nhai tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia tích cực vào công tác nuôi trồng và đánh bắt thủy sản trên lòng hồ nhằm ổn định cuộc sống ở vùng tái định cư” - ông Dũng nói.
Đến nay tỉnh Sơn La đã có 7.500 lồng cá, sản lượng hơn 6.000 tấn/năm. |
Ngành nông nghiệp và cấp ủy địa phương vào cuộc quyết liệt, đây là yếu tố cốt lõi để Nghị quyết phát triển thủy sản tỉnh Sơn La đi vào cuộc sống. Đến nay, toàn tỉnh Sơn La có hàng nghìn hộ nuôi cá lồng, trong đó, một nửa số hộ là gia đình đảng viên.
Theo ông Nguyễn Thành Công, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La, chính sự đầu tầu, gương mẫu của mỗi đảng viên các thôn, bản đã làm nên “sức sống mãnh liệt” của Nghị quyết phát triển thủy sản trên lòng hồ thủy điện Sơn La.
“Chúng ta thấy cấp ủy cấp tỉnh chỉ đạo rất rõ, rồi tỉnh có Ban chỉ đạo khai thác tiềm năng lòng hồ thủy điện Sơn La; có cơ chế chính sách hỗ trợ cho nuôi trồng thủy sản như Nghị quyết 28 về hỗ trợ nuôi lồng, đó là tổ chức chỉ đạo thực hiện từ cấp ủy cấp tỉnh đến cấp ủy cấp huyện; rồi từ cấp huyện chỉ đạo xuống các xã và các đảng viên trong nuôi trồng thủy sản. Nói chung sự vào cuộc của cấp ủy các cấp trong triển khai chủ trương nuôi trồng thủy sản là rất chặt chẽ, rất đồng bộ” - ông Công cho biết.
- Đến nay, toàn tỉnh Sơn La có hàng nghìn hộ nuôi cá lồng
- Riêng huyện Quỳnh Nhai đã duy trì gần 300 héc ta mặt nước để nuôi trồng thủy sản, với hơn 5.800 lồng nuôi cá các loại, cho sản lượng khoảng 3 tạ/lồng/năm.
- Trong 10 tháng qua, Quỳnh Nhai đã thả hơn 230.000 con cá giống nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản tại các xã vùng lòng hồ Sông Đà.
Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự tiên phong của mỗi đảng viên, sản phẩm thủy sản trên dòng Sông Đà của Sơn La ngày càng phong phú. Cá chép, Chiên, lăng, Nheo… đặc biệt là cá Tầm đã và đang vươn đến các tỉnh thành trong cả nước, mang lại nguồn thu lớn cho người dân dọc Sông Đà. Điều đặc biệt là nó đã giúp người dân tái định cư Thủy điện Sơn La có cơ hội bước sang một trang mới trên chặng đường xóa đói nghèo và vươn lên làm giàu.
Vậy để nghề nuôi cá lồng thực sự bền vững và sản phẩm thủy sản của cá sông Đà được nhiều thị trường biết đến hơn nữa, Sơn La cần phải làm gì? Bài 3 loạt phóng sự sẽ có nhan đề “Sơn La làm gì để Cá lồng “bơi” ra “biển” lớn”./.