Gần đây, một số đại gia bỏ hàng nghìn tỷ đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp như: Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Vingroup, Pan Group, Hòa Phát, TH,... nhưng theo đánh giá của giới chuyên môn, sự tham gia này vẫn chưa đủ tạo ra một “làn sóng” đầu tư mới.
Khó khăn cố hữu đeo bám
Theo ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Pan Group, đầu tư vào nông nghiệp vô cùng khó khăn. Nếu đầu tư các ngành khác có thể đem về hàng nghìn tỷ lợi nhuận mỗi năm, thì "bước chân" sang nông nghiệp để có hiệu quả là không dễ dàng.
Đầu tư vào nông nghiệp hiện nay để có thể cạnh tranh được, phải tập trung vào công nghệ cao. Với nông nghiệp công nghệ cao phải bắt đầu từ kỹ thuật trước canh tác, tức là các khâu chuẩn bị như giống, phân bón, kế hoạch sản xuất; tiếp đó là canh tác, nuôi trồng với công nghệ, kỹ thuật hiện đại. Cuối cùng là đầu tư cho công nghệ sau thu hoạch, như bảo quản, chế biến thực phẩm và xây dựng hệ thống phân phối đến người tiêu dùng.
Đó là cả một chuỗi sản xuất khép kín với quy trình chặt chẽ và kéo dài, có sự hợp tác của nhiều chủ thể và cũng ẩn chứa rất nhiều rủi ro.
Nhu cầu về nông sản sạch đang rất lớn tại Việt Nam |
Chẳng hạn, Pan Group đang hợp tác với nông dân trồng lúa để sản xuất gạo chất lượng cao. Theo quy trình kỹ thuật, yêu cầu phải rút hết nước trên ruộng 3 ngày trước khi thu hoạch, để hạt thóc khô, nhưng nông dân không ai muốn làm như vậy vì sợ giảm sản lượng.
Nông dân ở ta vốn tham cái lợi trước mắt, bắt họ thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật không hề dễ dàng. Bà con có người vẫn nghĩ, nếu không có họ tham gia thì chuỗi sản xuất "từ nông trại đến bàn ăn" sẽ không thể thực hiện được. Vì vậy, muốn làm thay đổi tư duy của nông dân, tạo ra sự hợp tác có trách nhiệm với nhà đầu tư là điều không đơn giản, ông Hưng nói.
Về phía các địa phương, chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp còn thiếu hấp dẫn. Ưu đãi lớn nhất nhiều địa phương đưa ra thường là cấp phép nhanh. Song, đó không phải là ưu đãi mà là việc chính quyền phải làm khi có DN đến đầu tư. Nâng việc phải làm thành ưu đãi là không đúng.
Ngoài ra, theo các DN, hiện đầu tư vào nông nghiệp rất khó tìm quỹ đất từ 100-1.000 ha. Nếu tìm được, phải bỏ tiền mua hoặc thuê lại đất từ nông dân, tiếp đó là phải trả tiền thuê đất cho Nhà nước, tức là DN phải trả ít nhất hai lần tiền để có đất. Trong khi, đầu tư vào các khu công nghiệp chỉ trả một lần, lại có cơ sở hạ tầng đi kèm để sản xuất kinh doanh.
Nếu như sản xuất công nghiệp có thể biết được tình hình thị trường, biết được giá nguyên liệu và chi phí sản xuất, có thể tính toán được hiệu quả mang lại, thì với nông nghiệp, có rất nhiều yếu tố nhà đầu tư không thể biết chắc được. Chẳng hạn như thiên tai, thời tiết, dịch bệnh,... cùng với đó vật nuôi, cây trồng đều phải có thời gian đủ để phát triển, không thể đẩy nhanh tiến độ,... nên rủi ro cực kỳ lớn, chưa kể rủi ro về chính sách.
Chính vì vậy, 5 năm qua tập đoàn của ông Hưng chỉ đầu tư được 100 triệu USD vào nông nghiệp, dù có muốn tăng quy mô với số vốn lớn hơn cũng không được, ông Hưng cho biết.
Ra nước ngoài làm nông cho lành?
Thực phẩm bẩn tràn lan, nhu cầu về bữa ăn sạch, an toàn, đủ dinh dưỡng hàng ngày cho hơn 90 triệu dân Việt là rất lớn. Có thể nói, người Việt Nam đang "khát" thực phẩm sạch. Đây là thị trường rất tiềm năng, nhưng sản xuất nông nghiệp trong nước không đáp ứng được.
Trong TPP nhiều quốc gia có ngành nông nghiệp năng suất rất cao, gấp cả chục lần Việt Nam, với giá cả rất cạnh tranh |
Khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam tham gia có hiệu lực, thuế nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm về 0%.
Các phân tích cho thấy, trong TPP nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Australia, New Zealand,... có ngành nông nghiệp năng suất rất cao, gấp cả chục lần Việt Nam, với giá cả rất cạnh tranh. Hàng ngoại với những thương hiệu tên tuổi, được khẳng định về chất lượng, an toàn vệ sinh tràn vào, chắc chắn sẽ được người tiêu dùng đón nhận và quay lưng lại với hàng Việt.
Là thị trường lớn khó lòng bỏ qua, nhưng các ưu đãi trong nước kém hấp dẫn, đất đai khó kiếm, tư duy sản xuất chậm thay đổi,... buộc một số DN phải tính đến giải pháp chuyển hướng đầu tư ra nước ngoài. Sau đó, đưa sản phẩm về nước phân phối. Nếu chuyện này xảy ra, sẽ là điều đáng buồn cho một ngành sản xuất vốn được coi là thế mạnh hàng đầu, là niềm tự hào của Việt Nam.
Theo một báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thu hút đầu tư vào nông nghiệp hiện chỉ chiếm từ 5,4-5,6% tổng đầu tư toàn xã hội, với khoảng 1% số DN tham gia vào lĩnh vực này. Con số trên đã giảm nhiều so với thời điểm từ 2007 về trước, khi đó tổng đầu tư xã hội vào nông nghiệp chiếm hơn 10%, với 1,6% số DN tham gia.
Nông nghiệp vốn được coi là một trong những ngành có lợi thế nhất của đất nước, nhưng tỷ lệ đầu tư lại khá thấp và giảm dần, đây được cho là điều bất bình thường. /.Ông chủ ngân hàng đi bán cá, đại gia bất động sản buôn bò, bán rau