Như thường lệ, phiên chất vấn các thành viên Chính phủ luôn được các đại biểu Quốc hội và dư luận cử tri quan tâm. Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, theo dự kiến, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, thứ 3. Sau đó, Bộ trưởng các bộ: Công Thương, Xây dựng, Y tế và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ lần lượt đăng đàn.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình tại phiên thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 |
Bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP HCM) cho biết: Trong lĩnh vực của Thống đốc Nguyễn Văn Bình, tôi sẽ chất vấn về chuyện nợ xấu và giải quyết nợ xấu ra sao. Thứ hai là vấn đề quản lý thị trường vàng. Thứ ba, là phải công khai quá trình tái cơ cấu các ngân hàng, phải chỉ rõ ra ngân hàng nào thanh khoản kém Chính phủ phải cấp vốn, ngân hàng nào phải giải thể, sáp nhập…
Bộ trưởng Vương Đình Huệ không nằm trong danh sách các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn lần này, nhưng Đại biểu Trần Du Lịch vẫn bày tỏ sự quan tâm của mình với ngành Tài chính: “Tôi muốn biết cụ thể Quỹ Cổ phẩn hóa hiện nay có bao nhiêu, lâu nay được sử dụng như thế nào, phải minh bạch hóa quỹ này vì đây là một quỹ rất lớn. Thứ hai là nguồn quỹ để trả nợ ra sao? Vừa qua, Chính phủ đã đi vay nước ngoài những khoản vốn vay ODA, sau đó lại cho các tổ chức khác vay lại. Giờ phải trả lời cụ thể ra, có bao nhiêu doanh nghiệp được Bộ Tài chính bảo lãnh tín dụng để đi vay, bao nhiêu DN không trả được khiến Nhà nước phải gánh nợ thay” – Đại biểu Trần Du Lịch nói.
Tuy không có câu hỏi chất vấn tại kỳ họp này, nhưng Đại biểu Nguyễn Phước Lộc (đoàn TP.HCM) bày tỏ sự quan tâm tới chuyện Thống đốc NHNN sẽ giải quyết ra sao vấn đề nợ xấu. “Nợ xấu hiện nay là căn bệnh nghiêm trọng nhất mà chúng ta phải giải quyết trước tiên nếu muốn có một nền kinh tế khỏe mạnh thực sự. nếu không giải quyết được vấn đề này, chúng ta sẽ khó hồi phục trong một vài năm tới”.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Phước Lộc cũng muốn biết Bộ trưởng Bộ LĐ-TB và XH sẽ có giải pháp gì vấn đề đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn, những người hiện mất đất canh tác hoặc không muốn trở thành nông dân. “Nếu không có chiến lược đào tạo nghề phù hợp cho họ, chúng ta sẽ phải gánh chịu hậu quả lớn khi một số lượng không nhỏ thanh niên không có nghề ổn định, trở thành một mối lo cho xã hội” – đại biểu Phước Lộc nói.
Còn Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng cho biết muốn hỏi Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về vấn đề nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận để đảm bảo an toàn cho người dân trong phiên chất vấn diễn ra đầu tuần tới.
“Theo thông tin qua báo chí thì hiện nay công tác đào tạo còn chưa đáp ứng được nhu cầu. Thứ hai là Chính phủ cũng đang yêu cầu đơn vị tư vấn khảo sát đảm bảo độ an toàn tuyệt đối của địa điểm đặt nhà máy. Vì vậy khả năng tiến độ của dự án có thể không đúng với tinh thần của Quốc hội nên phải làm rõ tại sao công tác đào tạo nhân lực lại thiếu có tâm thế chuẩn bị nhưng đến nay vẫn chưa đáp ứng được. Dự án điện hạt nhân sẽ phải rà soát lại và nếu có làm thì cũng phải theo tinh thần đảm bảo an toàn cho người dân là cao nhất” – ông Đỗ Mạnh Hùng cho biết.
Nhắc lại nội dung chất vấn tại kỳ họp trước về trách nhiệm của Bộ trưởng Giao thông-Vận tải đối với việc bổ nhiệm Dương Chí Dũng, ông Đỗ Mạnh Hùng cho biết: “Trong kỳ chất vấn trước, tôi đã nhận được trả lời của Bộ Trưởng Bộ Giao thông -Vận tải dài hơn 5 trang nhưng chỉ có 1 dòng rưỡi nói về trách nhiệm của Bộ, chưa thông tin đầy đủ với dư luận và báo chí. Cho đến nay, Bộ này đã có những văn bản tiếp theo nhận trách nhiệm về quá trình bổ nhiệm nhân sự là do chưa có sự rà soát cẩn thận để đáp ứng được nhu cầu bổ nhiệm đúng người đúng việc”.
Cũng theo ông Đỗ Mạnh Hùng, tại kỳ họp này, “Tôi có gửi câu hỏi Bộ trưởng Bộ Y tế. Trong báo cáo phòng chống tội phạm có nói đến vấn đề sử dụng ma túy đá có xu hướng tăng, nhất là đối với giới trẻ. Nguyên nhân được nhắc tới là việc quản lý chất dược phẩm chưa đáp ứng được nhu cầu. Sử dụng ma túy đá là hiểm họa bởi các nhà chuyên môn có nhận định so với sử dụng ma túy đá, hút thuốc phiện chẳng qua là như ăn kẹo. Thuốc phiện và heroin có thể cai được chứ dùng ma túy đá thì gần như vô phương cứu chữa. Nếu nhận thức được đây là hiểm họa thì cũng phải nhận thức được trách nhiệm trong việc quản lý tiền chất ma túy, quản lý dược phẩm”. Nếu trả lời của Bộ Y tế làm rõ được các vấn đề mà ông Hùng quan tâm thì không cần thiết phải chất vấn thêm Bộ trưởng Y tế tại Hội trường, nhưng còn vấn đề gì chưa rõ thì “Chắc chắn tôi sẽ phải hỏi thêm” – ông Hùng nói.
Các phiên chất vấn sẽ chính thức bắt đầu sáng 12/11./.