Tiếp theo chương trình làm việc, sáng 9/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
Xử lý tội tham nhũng phải nghiêm
Cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban thường vụ Quốc hội, các đại biểu cho rằng, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 đã tạo lập khung pháp lý quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Cùng với sự quyết tâm, nỗ lực của các tổ chức Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và cả hệ thống chính trị, công tác phòng, chống tham nhũng đã có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức, hành động và đạt được những kết quả bước đầu.
Tuy nhiên, qua sơ kết triển khai thực hiện, nhiều quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, cũng như chủ trương, quan điểm chỉ đạo trong nghị quyết, văn kiện của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng và các yêu cầu trong những điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Do đó, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật này.
Theo đại biểu Ngô Văn Minh (đoàn Quảng Nam), cần làm rõ một trong những nguyên nhân phải sửa đổi bổ sung Luật Phòng chống tham nhũng là việc xử lý tội phạm tham nhũng chưa thật nghiêm, chưa đáp ứng được nguyện vọng và quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân.
“Với tham nhũng không phải phòng chống nữa mà phải tiêu diệt. Phải coi tội tham nhũng là một trong những tội nặng nhất, chống lại chế độ, chống lại nhân dân. Trên quan điểm đó, chúng ta phải xử lý thật nghiêm thì mới đem lại hiệu quả thiết thực”, đại biểu nêu ý kiến.
Minh bạch tài sản, thu nhập
Các đại biểu đều nhất trí với báo cáo thẩm tra của Ủy ban thường vụ Quốc hội khi cho rằng, việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập là một trong những biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tăng cường trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đối với tính hợp pháp về tài sản, thu nhập của mình, đồng thời cũng tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức hữu quan phát hiện hành vi tham nhũng. Tuy nhiên, thời gian qua, việc kê khai, minh bạch tài sản trên thực tế nhìn chung là hình thức, hiệu quả của việc phòng ngừa, ngăn chặn và phát hiện tham nhũng là rất thấp.
Trong dự thảo luật, cả hai phương án mà Chính phủ trình Quốc hội đều mở rộng phạm vi đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập và bổ sung một số quy định cụ thể về xác minh tài sản.
Có ý kiến đại biểu đồng tình quy định công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại nơi người có nghĩa vụ kê khai thường xuyên làm việc, công tác. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cần quy định việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại cả nơi người có nghĩa vụ kê khai thường xuyên làm việc, công tác và nơi cư trú.
Theo đại biểu Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa), theo quy định đảng viên phải sinh hoạt hai chiều tại nơi làm việc và nơi cư trú. Do đó, bản kê khai cũng phải được công khai tại nơi cư trú để nhân dân, tổ chức ở đó theo dõi, phản ánh. Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng phạm vi công khai và hình thức thực hiện phải nghiên cứu.
Về phát hiện tham nhũng, nhiều đại biểu nhấn mạnh vai trò của người dân và báo chí cần phải được thể hiện rõ ngay trong những điều khoản quy định, đặc biệt là cơ chế bảo vệ người tố cáo, phóng viên khi điều tra phản ánh. Vì thực tế thời gian qua, đại đa số vụ việc phát hiện tham nhũng là do báo chí, người dân, còn lại các cơ quan đoàn thể, cấp ủy phát hiện rất ít.
Đại biểu Lê Thị Nguyệt (đoàn Vĩnh Phúc) phân tích: “Khi một người có chức vụ có hành vi tham nhũng, người dân và báo chí sẽ chủ động phanh phui hơn là cán bộ cấp dưới. Người dân chủ động phát hiện tố cáo vì họ ở tư thế là người bị hại, là người đóng thuế nuôi cán bộ, cán bộ là người dân ủy thác và là công bộc của dân”.
Cũng tại buổi thảo luận, nhiều đại biểu cũng đề nghị cần nghiên cứu bổ sung các hành vi tham nhũng như nhận quà trị giá cao, ra quyết định sai nhằm mục đích lợi ích nhóm… Các hành vi tham nhũng được quy định phải phù hợp với những bộ luật khác, như Bộ Luật hình sự/.