Mới đây, Financial Times đăng bài viết về dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Theo bài báo, số lượng các dự án đầu tư vào Việt Nam năm 2014 cao gấp đôi so với năm 2013, với 241 dự án FDI ước tính đạt 13,1 tỷ USD. Con số này năm 2013 chỉ đạt 118 dự án với 10 tỷ USD.

Về tổng vốn đầu tư, Việt Nam là điểm đầu tư hấp dẫn thứ 2 tại Châu Á Thái Bình Dương, sau Trung Quốc trong năm 2014, và xếp thứ 5 về số dự án đầu tư bằng nguồn vốn FDI.

Thăng trầm FDI

Đỉnh cao là năm 2008, khi Việt Nam có 350 dự án với tổng trị giá 42 tỷ USD. Số dự án đã giảm mạnh sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, và xuống mức thấp nhất trong 1 thập kỷ qua vào năm 2013.

von_fdi_roti.jpgHầu hết các khoản đầu tư được dành cho ngành sản xuất, chế tạo
Financial Times nhận định, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tăng cường cho vay, qua đó gia tăng dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam, giúp thúc đẩy tăng trưởng GDP một cách ổn định. Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6% trong năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2011, trong đó khu vực sản xuất gia tăng 8%, chủ yếu nhờ dòng vốn FDI.

Kể từ năm 2003, Việt Nam đã nhận được 2.394 dự án đầu tư mới, chủ yếu là từ Nhật Bản (554 dự án), Mỹ (228) và Hàn Quốc (187). Hầu hết các khoản đầu tư được dành cho ngành sản xuất, chế tạo.

Ngân hàng ADB dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 6,1% năm 2015 và 6,2% năm 2016. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số GDP bình quân đầu người tại Việt Nam năm 2013 là 5.294,4 USD, cao hơn so với mức 4.395,6 USD năm 2010. Những dự báo trước đó về tăng trưởng cho năm 2014 vẫn được giữ nguyên cho năm 2015. Từ đầu năm đến nay, FDI Market đã ghi nhận được 66 dự án đầu tư nước ngoài.

Mất dần lợi thế chi phí thấp

Hầu hết các nhà đầu tư cho rằng, lý do quan trọng nhất để họ đến với Việt Nam là tiềm năng tăng trưởng thị trường nội địa, tiếp cận khách hàng, và môi trường kinh doanh thông thoáng.

Nhiều doanh nghiệp FDI cũng thừa nhận rằng, chi phí thấp là lý do chính kích thích họ đầu tư vào Việt Nam. Chi phí lao động tại Việt Nam thấp hơn so với các nước khác tại Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan và Philippines.

Bằng chứng về chi phí sản xuất thấp ở Việt Nam được FDI Benchmark đưa ra là: tổng chi phí hoạt động bình quân cho các công nghệ sinh học dược phẩm hay nhà máy sản xuất thiết bị y tế tại Việt Nam chỉ bằng một nửa so với Trung Quốc. Trong ngành sản xuất ô tô, chi phí tại Việt Nam thấp hơn 40%.

Tuy nhiên, trong dài hạn, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức giống như các quốc gia khác đã từng gặp phải khi họ thu hút FDI chủ yếu nhờ vào chi phí sản xuất thấp.

Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam nên đầu tư vào kỹ năng và kỹ thuật cho đội ngũ lao động, nâng vị thế trên nấc thang giá trị khi các nhà đầu tư có xu hướng tìm kiếm các nước có chi phí rẻ hơn./.