Ngành du lịch thành phố Đà Nẵng đang phát triển mạnh, lượng khách du lịch đến địa phương này liên tục tăng trong những năm gần đây. Cùng với việc nâng cao chất lượng dịch vụ, thành phố Đà Nẵng cũng đã khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Tuy nhiên, tình trạng ồ ạt xây dựng khách sạn như hiện nay có nguy cơ xảy ra sự cạnh tranh không lành mạnh, thiếu bền vững.

da_nang_copy_bktp.jpg
Đường Hà Bổng, phường Phước Mỹ, Quận Sơn Trà được ví như khu phố du lịch của Đà Nẵng với mật độ khách sạn ken dày

Đường Hà Bổng nằm ở khu vực ven biển, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà được ví như khu phố du lịch của thành phố Đà Nẵng. Chỉ một đoạn nửa cây số nhưng có tới hàng chục khách sạn, nhà nghỉ nằm san sát nhau. Vào mùa cao điểm, từ tờ mờ sáng đến tận đêm khuya, lượng người và xe cộ qua lại tấp nập. Mỗi ngày, hàng trăm phương tiện ô tô du lịch, taxi ra vào các khách sạn khiến người dân ở đây bất an. Mật độ khách sạn quá dày trong khi bãi đỗ xe thì không có, người đi bộ phải chen chân dưới lòng đường, còn vỉa hè thì biến thành bãi đậu ô tô.

Ông Đinh Văn Ba ở Tổ 7A, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà than phiền, nhà sống gần biển nhưng không khí ở đây rất ngột ngạt do đường nhỏ, chật hẹp nhưng lưu lượng ô tô ra vào rất đông.

Vài năm gần đây, dọc các tuyến đường ven biển ở thành phố Đà Nẵng từ bán đảo Sơn Trà đến khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, hàng trăm khách sạn, nhà nghỉ mọc lên như nấm. Ngoài các khu nghỉ dưỡng 4, 5 sao, trên các tuyến đường dọc bờ biển như Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Trường Sa.., nhiều lô đất trống được các chủ đầu tư mua gom để xây khách sạn. Khách sạn cũ, mới và cả những dự án đang xây dựng nằm ken dày với nhau.

Kiến trúc sư Hoàng Quang Huy, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng cho rằng, cần phải thận trọng trong việc phân lô bán nền, giao đất cho các nhà đầu tư dọc tuyến ven biển từ bán đảo Sơn Trà đến khu vực giáp ranh với thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam; đặc biệt là các vị trí liên quan đến an ninh, quốc phòng.

“Rất nhiều lô biệt thự, người ta nhờ người dân bản địa mua đất, sau đó thu hồi lại khu cụm tất cả thành những lô đất lớn để làm những công trình cao tầng. Dù là công trình gì nhưng theo quan điểm của tôi là trái với chủ trương của Bộ Quốc Phòng, trái với quy hoạch. Bởi vì trong quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội thời bình cần phải nghĩ đến công tác an ninh, quốc phòng,” KTS Huy nói.

Theo Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và du lịch Thành phố Đà Nẵng, thành phố hiện có khoảng 500 khách sạn với gần 24 ngàn buồng, phòng. Trong đó, có khoảng 100 khách sạn từ 3 đến 5 sao, còn lại là các cơ sở lưu trú dưới 3 sao. Việc đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú đáp ứng được nhu cầu của du khách khi đến thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên việc phát triển ồ ạt các khách sạn dưới 3 sao khiến nguồn cung vượt cầu và tạo sự cạnh tranh thiếu lành mạnh. Đa số các nhà đầu tư hoạt động từ các lĩnh vực khác “nhảy qua” làm du lịch nên thiếu kinh nghiệm, chất lượng dịch vụ kém…

Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và du lịch Thành phố Đà Nẵng cho biết: “Chúng tôi đã có khảo sát và khuyến cáo các nhà đầu tư nên tập trung ưu tiên những phân khúc từ 3 đến 5 sao, hiện chưa đủ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Bên cạnh, đó cũng nên đầu tư vào các dịch vụ khác mà thành phố đang thiếu như dịch vụ vui chơi, giải trí và các dịch vụ hỗ trợ khác cho du khách để làm phong phú thêm sản phẩm du lịch và hạn chế tạo sức nóng, áp lực đối với hoạt động kinh doanh ở phân khúc dưới 3 sao”.

Mới đây, UBND thành phố Đà Nẵng đã giao Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội và Viện Quy hoạch Xây dựng thành phố lập quy hoạch định hướng đầu tư cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố. Trong đó sẽ quy định và định hướng cụ thể để nhà đầu tư lựa chọn, tránh đầu tư khách sạn thành một khu vực tập trung như hiện nay, hướng đến khai thác có hiệu quả và phát triển bền vững hơn./.