Báo cáo ngày 30/6 của Bộ NN&PTNT gửi Thủ tướng cho biết, hiện đã có 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Thanh Hoá báo về Bộ NN-PTNT cho biết tàu vỏ thép đóng mới theo chương trình 67 đã hư hỏng. Trong đó Bình Định có 18 tàu, Phú Yên 2 tàu, Thanh Hoá 18 tàu.

Riêng tỉnh Quảng Nam có 1 tàu đã hạ thủy nhưng chưa hoạt động, do chủ tàu không chấp nhận máy chính đã lắp trên tàu.

tau_vo_thep_idgo.jpg
Bình Định hiện là địa phương có nhiều tàu cá vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 hư hỏng.
Theo báo cáo này, các ngân hàng đã cam kết cho vay trên 9.700 tỷ đóng tàu vỏ thép và composit theo chương trình 67. Hiện đã giải ngân 8.800 tỷ. Số tàu đã hạ thủy là 666 tàu, trong đó có trên 40 tàu dịch vụ còn lại là tàu cá. Bộ NN-PTNT cũng cho biết đa số tàu cá được đóng mới hoạt động hiệu quả.

Tuy nhiên, riêng tại Bình Định, địa phương có nhiều tàu 67 hư hỏng nặng nhất cho đến nay, trong số 45 con tàu đã đi vào khai thác (trong số 47 tàu mới), có 24 tàu hiệu quả khá, hiệu quả tăng 15-20% so với trước, 6 tàu hoà và 15 tàu sản xuất chưa hiệu quả do vỏ tàu han gỉ, máy hư hỏng, ngư cụ hỏng.

Tại Thanh Hoá, các tàu trục trặc về máy phát điện, cần cẩu, hiện còn 2 tàu đang tiếp tục sửa chữa. Phú Yên cũng có 2 tàu hư hỏng tương tự.

Bộ NN-PTNT yêu cầu rà soát tiếp và báo cáo về Bộ trước 31/7 và cho biết, toàn quốc có 213 cơ sở đóng tàu và nâng cấp tàu cá. Bộ đã yêu cầu các tỉnh thành rà soát các cơ sở này.

Về phía cơ quan đăng kiểm trực thuộc Tổng cục Thủy sản đã đăng kiểm toàn bộ số tàu hư hỏng, Bộ NN-PTNT cho biết hiện đã tạm đình chỉ các đăng kiểm viên có liên quan, đồng thời cho biết "sẽ nghiêm túc xem xét, kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan thuộc Trung tâm đăng kiểm tàu cá"./.