Thời gian qua, VOV.VN đã có loạt bài phản ánh hàng loạt tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định đóng mới theo chương trình Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản hư hỏng phải nằm bờ.

Quan điểm của tỉnh Bình Định là máy móc tàu cá hư hỏng phải được tháo ra thay mới cho ngư dân. Trong khi đó, các đơn vị cung cấp máy tàu lại đề nghị ngư dân cho sửa chữa. Nhiều người cho rằng, cần phải xử lý trách nhiệm hình sự của các bên liên quan.

tau_vo_thep1_vov_mjgj_orfd.jpg
Hàng loạt tàu cá vỏ thép hư hỏng máy móc, gỉ sét phải nằm bờ chờ sửa chữa.
Mới đây, Công ty ô tô Đông Hải, đơn vị cung cấp máy Doosan chính hãng cho Công ty Nam Triệu (Bộ Công an) đưa phụ tùng để lắp, thay thế bộ phận bị hư hỏng trên máy tàu cho ngư dân Trần Đình Sơn, nhưng ông Sơn không đồng ý, ông Sơn yêu cầu phải thay máy mới.  

Theo ông Sơn, tàu vỏ thép số hiệu BĐ 99245 của ông đóng mới với số tiền 19,8 tỷ đồng do Công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng, máy tàu được trang bị là loại máy chính hãng Doosan (Hàn Quốc). Tàu hạ thủy từ tháng 12/2016 đến nay ông chỉ mới đi được 2 chuyến biển thì nằm bờ liên tục do máy hỏng.

Trong một diễn biến khác, sáng 15/6, bà Nguyễn Thị Sinh, xưng là vợ ông Lê Hoàng Phong, Giám đốc Cty TNHH thương mại xuất nhập khẩu Hoàng Gia Phát - đơn vị cung cấp máy thủy chính hãng Mitsubishi cho Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Bộ Công an) đã về địa phương gặp gỡ những ngư dân là chủ tàu các tàu vỏ thép bị hư hỏng để thương lượng.

Bà Sinh đề nghị ngư dân đồng ý cho Công ty Hoàng Gia Phát sửa chữa, khắc phục sự cố máy hư hỏng, không thay máy mới như cam kết với lý do công ty không đủ năng lực tài chính. Lời đề nghị này bị cả chính quyền huyện Hoài Nhơn và ngư dân bác bỏ.

Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định khẳng định, Công ty Hoàng Gia Phát cử người nhà vào động viên ngư dân sửa lại máy Misubishi nhưng chính quyền huyện không thống  nhất. Theo Nghị định 67, tàu cá đóng mới phải có máy mới hoàn toàn, khi máy tàu không đảm bảo, đơn vị đóng tàu phải thay máy mới lại toàn bộ cho ngư dân, không sửa chữa.

Trong khi đó, ông Võ Thiên Lăng, Phó Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam, Chủ tịch Hội nghề cá tỉnh Khánh Hòa hết sức bất ngờ khi hàng loạt tàu cá vỏ thép tại Bình Định mới đóng đã hỏng phải nằm bờ.

Theo ông Võ Thiên Lăng, tình trạng này lỗi một phần do Cơ quan đăng kiểm tàu cá thuộc Tổng cục Thủy sản, vì đây là cơ quan Nhà nước, là hàng rào kỹ thuật để đảm bảo chất lượng cho những con tàu hạ thủy.

Hơn nữa, chi phí đăng kiểm tính vào giá thành con tàu, nhưng cuối cùng ngư dân phải ôm nợ vì tàu nhanh hỏng. Tàu mới đóng đã hỏng, nằm bờ, ngư dân đứng ngồi không yên. Cần làm rõ trách nhiệm từ nhiều phía, từ các cơ sở đóng mới tàu đến đơn vị đăng kiểm.

Ông Võ Thiên Lăng đề nghị cần xem xét khởi tố vụ án để làm rõ trách nhiệm mỗi bên theo đúng quy định pháp luật.

“Lỗi lớn là lỗi của cơ quan đăng kiểm đã để nhà máy đóng tàu lừa đảo ngư dân, vượt qua hàng rào kiểm soát kỹ thuật đăng kiểm. Cần khởi tố vụ án để làm rõ tại sao công ty đóng tàu không đưa máy mới chính hiệu cho tàu cá, tại sao lại đưa thép Trung Quốc làm thân vỏ tàu xem có gì khuất tất. Từ bản vẽ thiết kế sản phẩm đều rất chặt chẽ, nhưng công ty đóng tàu đã thực hiện không đúng lại được cơ quan tiếp tay đăng kiểm nghiệm thu, cấp giấy phép hoạt động”, ông Lăng đề nghị./.