Đứng trước yêu cầu vận tải hành khách và hàng hóa bằng đường hàng không ngày càng tăng cao, mới đây, cựu phi công Mai Trọng Tuấn – người đã từng có đề xuất về “đường bay vàng” lại có ý tưởng đề xuất phương án: Thành lập các cảng vận chuyển hàng hóa theo đường hàng không tại các thành phố, trung tâm kinh tế tách rời khu vực các sân bay hiện hữu.

cang_hh2_qtrc.jpg
Cảng vận chuyển hàng hóa hàng không tạo điều kiện thuận lợi dễ dàng cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu. (Ảnh minh họa: KT)
Theo ông Mai Trọng Tuấn, mục đích và lợi ích của đề xuất này là sẽ tránh nạn độc quyền, xin, cho về tải trọng hàng hóa và giá cước như bấy lâu nay. Đồng thời, việc thành lập cảng vận chuyển hàng hóa sẽ khắc phục tình trạng sân bay bị quá tải vì phải dành chỗ cho tập kết hàng hóa kho bãi, khi ngày càng tăng số lượng máy bay hoạt động.

Ngoài ra, cảng vận chuyển hàng hóa còn tạo điều kiện thuận lợi dễ dàng cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu hàng tươi sống, sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là hải sản đang là thế mạnh của Việt Nam và đáp ứng được một số lợi ích kinh tế - xã hội khác.

Theo ý tưởng của ông Tuấn, cảng hàng hóa này tuy nằm ngoài sân bay nhưng tất cả các khâu từ hải quan, an ninh, kiểm tra, soi chiếu, y tế, bảo vệ môi trường, phân loại, phân chuyến, đều là người của các cơ quan chuyên ngành làm việc, được lựa chọn, làm đúng tất cả những việc như các bộ phận của kho hàng ở sân bay đã và đang làm. Thậm chí có thể làm tốt hơn, bởi sẽ được đầu tư nhiều thiết bị mới.

Tất cả việc vận hành cảng vận chuyển hàng hóa được thực hiện theo một chương trình được lập trình một cách khoa học. Hàng hóa sau khi làm xong thủ tục, được niêm phong đưa vào sân bay, bàn giao cho bộ phận chuyên đưa hàng ra máy bay, hoặc trực tiếp chuyển vào theo kế hoạch đã hợp đồng, có nhân viên an ninh áp tải đến tận nơi.

Cảng vận chuyển hàng hóa sẽ là một tổ chức doanh nghiệp theo mô hình một công ty cổ phần hoạt động tuân thủ theo Luật Doanh nghiệp và điều lệ của công ty. Mọi thủ tục về xuất nhập hàng hóa từ cảng và từ cảng vào sân bay, máy bay cũng như ngược lại phải tuân thủ đầy đủ quy định của Nhà nước, các cấp chủ quản, các ngành Hải quan, Hàng không, An ninh, y tế, bảo vệ môi trường… người của các cơ quan đó được cử đến làm việc theo hợp đồng giữa các bên.

Doanh nghiệp cảng vận chuyển hàng hóa phải có đủ các trang thiết bị kỹ thuật cho các cơ quan chuyên môn làm việc. Phải tổ chức kho bãi, nhà văn phòng, tường rào bảo vệ, phòng hỏa cứu hỏa cùng với các thiết bị hiện đại, có quy chế ra vào, chặt chẽ cho người hàng hóa và các phương tiện… tất cả đều phải được cơ quan chuyên môn kiểm tra cho phép.

Về đầu tư, cảng vận chuyển hàng hóa phải được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoặc Bộ GTVT phê chuẩn phương án, quy định hạn mức vốn, thông qua điều lệ công ty và cấp giấy phép. Dự án cần có sự tham gia của các doanh nghiệp có khả năng, có kinh nghiệm và có thị trường về vận chuyển hàng hóa; Các doanh nghiệp có hàng hóa cần vận chuyển thường xuyên về sản phẩm cho thị trường trong nước và nước ngoài bằng đường hàng không; Các thành phần kinh tế khác, các nhà đầu tư muốn tham gia; Các cơ sở vật chất, đất đai, nhà xưởng có sẵn mà chủ sở hữu muốn góp vốn…

Khi cảng vận chuyển hàng hóa được xây dựng, việc vận chuyển hàng hóa tập kết về và từ cảng chuyển đi sân bay sẽ được tiến hành bằng 3 phương thức là đường bộ, đường thủy và đường hàng không cự ly ngắn. Để thực hiện tốt việc vận chuyển hàng hóa nội địa, ngoài cảng trung tâm cần tổ chức các đại lý ở những nơi cần thiết làm đầu mối thu gom và quan hệ làm việc với khách hàng. Cảng vận chuyển hàng hóa cũng cần quan hệ tốt với các sân bay, các hãng hàng không trong nước trên tinh thần hợp tác cùng có lợi, tận dụng trọng tải dư thừa.

Đặc biệt, cần tạo ra một mối quan hệ đặc biệt với các đơn vị quân đội, nhất là với lực lượng không quân để kết hợp nếu điều kiện cho phép. Đồng thời, sử dụng các sân bay quân sự gần cảng đang có sẵn để cho các chuyến bay vận tải hợp đồng được hạ cánh, chuyển hàng xuống và nhận hàng đi. Đóng góp về ngân sách quốc phòng một cách thiết thực và cũng là một hướng giải quyết khi sân bay dân sự chính quá tải về lưu lượng và sân đỗ.

Bên cạnh đó, cảng vận chuyển hàng hóa còn có khả năng phục vụ nhiệm vụ kinh tế vận tải hàng hoá thời bình và chuyển quân, thả dù tiếp tế thời chiến. Phục vụ cho bảo vệ biển đảo hoặc những trường hợp cần cứu trợ những tình huống khẩn cấp như bão lụt, thiên tai…vừa góp phần vào nền kinh tế và khả năng quốc phòng, vừa có lợi cho doanh nghiệp.

Theo ông Tuấn, để thực hiện được dự án này trước hết cần có chủ trương, cần có nhà đầu tư và nguồn đầu tư của xã hội, không dùng vốn Nhà nước, chỉ chịu sự kiểm soát của Nhà nước. Sau đó lập dự án tiền khả thi và khả thi (bao gồm cả hội thảo), tìm đối tác và lựa chọn địa điểm để thực hiện thí điểm (có thể chọn TP HCM với vùng phụ cận gần sân bay Tân Sơn Nhất hay sân bay Biên Hoà).

Ông Tuấn cũng khẳng định, những nội dung nêu trên trong phương án này chỉ nêu chủ yếu ở mức định hướng và định tính, không có khả năng và điều kiện để nêu về định lượng. Đề xuất này vì lợi ích chung, vì sự cần thiết cho xã hội, đóng góp cho nền kinh tế của đất nước, đặc biệt  là cho các doanh nghiệp./.