Nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 –22/12/2019), 30 năm ngày truyền thống Hội Cựu chiến binh Việt Nam (6/12/1989- 6/12/2019), Kênh Truyền hình Nông nghiệp nông thôn, nông dân VTC16 - Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC (thuộc Đài TNVN), đã tổ chức Chương trình giao lưu "Doanh nhân, doanh nghiệp Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi và tích cực với phong trào xã hội năm 2019".

Tham dự chương trình có Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN Ngô Minh Hiển, lãnh đạo Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, lãnh đạo doanh nghiệp, doanh nhân cựu chiến binh ở một số tỉnh, thành phố.

vov_doanh_nhan3_xxws.jpg
Các doanh nhân, doanh nghiệp cựu chiến binh làm kinh tế giỏi tham dự buổi giao lưu tại Đài Tiếng nói Việt Nam sáng nay (1/12/2019).

Chương trình là cuộc hội ngộ giữa những người đồng chí, đồng đội một thời "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", đồng thời cũng là diễn đàn là diễn đàn để các doanh nhân, doanh nghiệp, cựu chiến binh toàn quốc đóng góp sáng kiến của mình vì sự phát triển thịnh vượng của ngành nông nghiệp trong thời kì thời kì hội nhập.

Đây cũng là dịp để khán giả truyền hình được gặp gỡ các gương mặt cựu chiến binh có những đóng góp xuất sắc trong công tác xã hội, cùng đồng chí, đồng đội giúp nhau thoát nghèo bền vững, góp phần xây dựng Nông thôn mới.

Chương trình giao lưu "Doanh nhân, doanh nghiệp Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi và tích cực với phong trào xã hội năm 2019"
Tại chương trình giao lưu, các khách mời là các cựu chiến binh, doanh nhân, đại diện doanh nghiệp cựu chiến binh đã trao đổi về vai trò của cựu chiến binh trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương, những câu chuyên trong quá trình phát triển kinh tế của gia đình, doanh nghiệp.
Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hội doanh nhân Cựu chiến binh tỉnh Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thaibinh Seed - một trong những doanh nghiệp đi đầu trong sản xuất các giống lúa ở Việt Nam - đã chia sẻ về quyết định trong việc lựa chọn và gắn bó với cây lúa, những trăn trở của ông để nâng tầm hạt gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.
"Lúc đầu, chúng tôi chỉ nghĩ làm sao cho đủ ăn thôi, nhưng giờ chúng tôi chọn ra được những giống lúa một vụ sản xuất đạt 12 tấn rồi", ông Báo nói.
Chủ tịch Thaibinh Seed cũng chia sẻ thêm: Đối với kinh tế thị trường, không chỉ tính chuyện đủ ăn, ăn no, mà còn phải tính chuyện xuất khẩu gạo, đòi hỏi ngành lúa gạo Việt Nam không chỉ đảm bảo an ninh lương thực mà còn phải tạo ra được những giống lúa có chất lượng đảm bảo yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Muốn như vậy, công tác nghiên cứu tạo ra giống lúa, nghiên cứu để chế biến, bảo quản hạt gạo phải đảm bảo đủ tiêu chuẩn cạnh tranh trên thế giới.

Cùng với trao đổi về hoạt động phát triển kinh tế, các cựu chiến binh cũng chia sẻ về hoạt động từ thiện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, hay những hoạt động xã hội tại địa phương... Doanh nhân cựu chiến binh Nguyễn Thị Hồng Tươi, Ủy viên Thường vụ Hiệp hội Doanh nhân cựu chiến binh Việt Nam, Chủ tịch Hội doanh nhân cựu chiến binh tỉnh Bình Phước đã được người dân dành tặng nhiều tên gọi trìu mến như: Bông hồng giữa đại ngàn chiến khu D, Cựu chiến binh giữ rừng Bình Phước bởi những đóng góp xuất sắc của bà trong việc bảo vệ trọn vẹn 512 ha rừng chiến khu D.

Thế nhưng, khi kể về câu chuyện bảo vệ rừng của mình và các cựu chiến binh, bà Nguyễn Thị Hồng Tươi không nói về những khó khăn, vất vả đã trải qua mà chỉ cho rằng đó là công việc hàng ngày nên làm để bảo vệ môi trường sống cho các thế hệ sau.

"Rừng của chúng tôi là 512ha rừng bảo vệ trên tinh thần cựu chiến binh thì chúng tôi chia thành 6 chốt mà chốt trưởng của chúng tôi đều là cựu chiến binh, là những đồng chí đã 40 năm, 50 năm, 60 năm tuổi Đảng cũng đều là những đồng chí chốt trưởng. Về bảo vệ rừng thì không có gì là phát triển kinh tế, chủ yếu là mình giữ được rừng là giữ được tài sản quốc gia và giữ được cái gì quý nhất. Người ta nói “một đời người, một rừng cây” nhưng tôi nghĩ một rừng cây và rất nhiều đời người chứ không phải là một đời người", nữ cựu chiến binh Nguyễn Thị Hồng Tươi chia sẻ.

Phút nghỉ ngơi của vợ chồng cựu chiến binh Nguyễn Thị Hồng Tươi trên rừng chiến khu D. (Ảnh: Văn Chiến/Pháp luật VN)

Năm 2019 là tròn 10 năm toàn Đảng, toàn dân thực hiện Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) về Nông nghiệp - Nông dân - Nông thôn. Đây là Nghị quyết có vai trò hết sức quan trọng, làm thay đổi về cơ bản nền nông nghiệp, đời sống người nông dân và diện mạo của nông thôn Việt Nam.

Suốt một thập niên vừa qua, đông đảo cựu chiến binh Việt Nam đã tích cực, sáng tạo trong sản xuất làm kinh tế, nhiệt tình trong hoạt động xã hội và gương mẫu tham gia, góp phần vào thành công của Chương trình xây dựng Nông thôn mới, phát huy tốt vai trò của"những người lính thời bình"trên mặt trận kinh tế.

Chương trình giao lưu kết thúc với bài hát "Cuộc đời vẫn đẹp sao".

Các cựu chiến binh Việt Nam đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, huy động được nhiều nguồn lực, phát huy được tiềm năng, trí tuệ, kinh nghiệm, sức sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, nên phong trào "Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi, gương mẫu trong xây dựng Nông thôn mới "đã đạt được kết quả tốt đẹp.

Tại buổi giao lưu, ông Ngô Minh Hiển - Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, ông Nguyễn Duy Tường - Tổng biên tập Báo cựu chiến binh Việt Nam, Ủy viên BCH Hội Cựu chiến binh Việt Nam, ông Nguyễn Duy Lượng - nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Nông dân Việt Nam cùng đại diện ban tổ chức đã trao tặng kỉ niệm chương cho các doanh nhân, doanh nghiệp cựu chiến binh làm kinh tế giỏi, góp phần vào sự nghiệp phát triển đất nước. 

Nhân dịp này, ban tổ chức cùng các nhà tài trợ cũng có những phần quà trao tặng các gia đình chính sách, gia đình cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn./.