“Dịch Covid-19 được xác định sẽ phải kéo dài nhiều năm, vì vậy vấn đề nợ xấu có thể dẫn đến sự nguy hiểm của hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng và nền kinh tế nói chung”, đây là nhận định của các chuyên gia tại tọa đàm với chủ đề: “Nợ xấu trong đại dịch Covid-19 - Giải pháp hỗ trợ ngành Ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp xử lý trong thời gian tới” do Báo Tiền Phong phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức sáng 23/6 tại Hà Nội.
Nghị quyết số 42 được Quốc hội ban hành ngày 21/6/2017 về xử lý nợ xấu, sau hơn 3 năm đi vào thực tiễn, tới nay, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được khoảng 530.000 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến 30/4 vừa qua, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được gần 350.000 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42, đạt trung bình khoảng 8.000 tỷ đồng/tháng, cao hơn khoảng 2 lần so với kết quả xử lý nợ xấu nội bảng trung bình tháng từ năm 2012 – 2017 (giai đoạn trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực). Kết quả đạt được là rất tích cực nhưng khó khăn, vướng mắc vẫn còn, ảnh hưởng đến tiến độ xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, Nghị quyết 42 đi vào cuộc sống đến nay đã trên 3 năm và đã cơ bản giải quyết được các khoản nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Đến nay đã đưa tỷ lệ nợ xấu khoảng 1,8% vẫn nằm trong phạm vi kiểm soát dưới 3% nên có thể thấy rằng Nghị quyết 42 có tác dụng rất tích cực.
Tuy nhiên, hiện nay đại dịch Covid-19 đã tạo ra thử thách lớn, gây đứt gãy sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Vấn đề nợ xấu với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trở nên trầm trọng, khi dòng tiền của các doanh nghiệp bị suy yếu, đứt đoạn, thậm chí đứt hẳn dẫn đến doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, “bóng ma” nợ xấu lại quay trở lại.
Hơn 1 năm qua, các tổ chức tín dụng đã có khoanh nợ, giãn nợ cho các doanh nghiệp. Song Covid-19 được xác định sẽ phải kéo dài nhiều năm, vì vậy vấn đề nợ xấu có thể dẫn đến sự nguy hiểm của hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng và nền kinh tế nói chung. Các ngân hàng hội viên của Hiệp hội Ngân hàng đã và đang đồng thuận tiếp tục tiết kiệm chi phí, giảm lợi nhuận, hạ lãi suất cho vay, miễn, giảm một số phí dịch vụ để chia sẻ khó khăn, giúp doanh nghiệp, người dân duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh.
Những khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid vẫn sẽ tiếp tục được ngân hàng cho phép hoãn, giãn, tái cơ cấu khoản nợ theo quy định tại Thông tư 03 sửa đổi bổ sung Thông tư 01, qua đó giảm áp lực tài chính cho người dân cũng như cả ngân hàng.
Chuyên gia tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực nêu quan điểm, ảnh hưởng của dịch Covid-19, nợ xấu đã và đang tăng cao. Trong khi đó, Nghị quyết 42 sẽ hết hiệu lực chỉ trong hơn 1 năm nữa, sẽ khiến áp lực xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng trong thời gian tới là rất lớn. Do đó, việc luật hóa xử lý nợ xấu cũng là tăng hiệu lực, hiệu quả của công tác thể chế.
“Dịch Covid 19 đã tác động đến lần thứ 4 và chúng ta cũng chưa biết sẽ có thêm những đợt tiếp theo như thế nào. Số nợ được cơ cấu lại theo hai thông tư 01 và 03 đến thời điểm hiện nay là khoảng 350.000 tỷ và sẽ tiềm ẩn là nợ xấu. Nếu nghị quyết 42 hết hạn vào ngày 15/8/2022 sau đó không có nghị quyết và sẽ xử lý theo cách truyền thống sẽ xảy ra rất nhiều cản trở”, chuyên gia Cấn Văn Lực chỉ rõ.
Ông Đoàn Văn Thắng, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý tài sản (VAMC) cũng cho rằng, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng tới mọi hoạt động đời sống kinh tế - xã hội, nên đơn vị này cũng không tránh khỏi những tác động, nhất là liên quan đến xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, đơn vị vẫn cố gắng tiếp tục tập trung xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Chỉ thị số 01 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng.
Năm 2020, VAMC đã triển khai mua 281 khoản nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt với 15.218 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng, đạt gần 100% kế hoạch được Ngân hàng Nhà nước giao. Cùng với triển khai ngay các biện pháp xử lý thu hồi nợ, Công ty quản lý nợ xấu cũng phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ khách hàng mua hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan nhằm đẩy nhanh tiến độ thu hồi nợ, đồng thời thực hiện việc trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ và đúng quy định./.