Thời gian gần đây, tiền điện tử nói chung và Bitcoin nói riêng được rất nhiều người quan tâm, khi liên tục tăng lên những mức giá kỷ lục. Hoạt động đầu tư, kinh doanh tiền ảo, tiền điện tử có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, trong khi đó hiện nay Việt Nam vẫn chưa có khung pháp lý để quản lý tiền ảo, tiền điện tử. Do đó, việc quản lý, giám sát, ngăn chặn hoạt động đầu cơ hoặc lừa đảo thông qua tiền ảo, tiền điện tử sẽ rất khó khăn.
Trong số các loại tiền điện tử, đồng Bitcoin xuất hiện từ năm 2009 thu hút sự quan tâm của giới đầu tư |
Mặc dù không được coi là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam và không được xem là hàng hóa hay dịch vụ trong giao dịch điện tử, thế nhưng, giao dịch tiền ảo vẫn rất sôi động. Doanh nghiệp quản lý sàn giao dịch Bitcoin đầu tiên tại Việt Nam cho biết, mỗi năm tăng trưởng đến 2 con số về lượng người dùng, giá trị giao dịch trung bình mỗi ngày lên đến hàng nghìn USD.
Tuy nhiên, việc quản lý cũng như thu thuế đối với hoạt động giao dịch này còn nhiều bất cập và không phải dễ dàng. Điển hình như vụ kiện hy hữu truy thu thuế vì kinh doanh Bitcoin xảy ra tại tỉnh Bến Tre mới đây: Ông Nguyễn Việt Cường, ở Bến Tre khởi kiện chi cục thuế địa phương này, khi bị yêu cầu nộp thuế hơn 2,6 tỉ đồng vì kinh doanh tiền điện tử. Hội đồng xét xử đã hủy các quyết định truy thu thuế đối với ông Cường, vì tiền điện tử (Bitcoin) không phải là hàng hóa, nên việc cơ quan thuế ra quyết định truy thu thuế là không đúng.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico, tại Việt Nam, hiện nay người giao dịch tiền điện tử thực hiện trực tiếp qua sàn quốc tế, trong nước không có dịch vụ và khung pháp lý quản lý. Nếu tình trạng này kéo dài thì càng trở nên lộn xộn và nảy sinh nhiều vấn đề, trong khi nhà nước cũng không có cơ sở để thu thuế, dẫn đến thất thu.
Cho đến nay, việc quản lý tiền điện tử nói chung, đồng Bitcoin nói riêng tại Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn, do máy chủ đặt ở nước ngoài. Bản chất tiền điện tử là phương thức trao đổi sử dụng mật mã, trao đổi trực tiếp bằng thiết bị kết nối Internet mà không cần thông qua một tổ chức tài chính trung gian.
TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cho rằng, để quản lý được, trước hết phải có khung pháp lý rõ ràng, xác định rõ khái niệm về tiền ảo và có biện pháp quản lý, tránh hiện tượng mặt trái như sử dụng đầu cơ, chuyển tiền bất hợp pháp. Bên cạnh đó, cần thông tin rộng rãi về sự rủi ro trong kinh doanh tiền ảo, cũng như không nên khuyến khích giao dịch tiền điện tử và càng không nên cho phép giao dịch có tổ chức.
"Hiện Bitcoin đang sốt ảo. Tương lai công nghệ sẽ xuất hiện nhiều loại hình tiền khác, tiềm ẩn nguy cơ tội phạm, chưa kể động thái ngược chiều nhau trong quản lý nhà nước tạo ra vỡ bong bóng. Khi đồng bitcoin trở thành giao dịch có lời sẽ trở thành đối tượng của các loại tội phạm khác nhau nên khó đầu tư an toàn," TS. Phong lưu ý.
Từ mức giá khoảng 13 USD trong năm 2013, hiện nay tỉ giá Bitcoin đã tăng gấp nhiều lần, thậm chí có thời điểm lên đến 4.000 USD – 5.000 USD. Giá trị quy đổi sang tiền của Bitcoin tại thời điểm tháng 8 năm 2017 lên tới 71 tỷ USD. Trong khi một số nước như như Anh, Thụy Điển, Mỹ, Nhật…cho phép giao dịch Bitcoin, thì nhiều nước như Trung Quốc, Bangladesh, Bolivia…lại phủ nhận tính hợp lệ của đồng Bitcoin và cấm tổ chức/cá nhân sử dụng hay mua bán Bitcoin hay các loại tiền ảo khác.
Theo ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Công ty chứng khoán SSI, “cơn sốt” đồng Bitcoin thời gian qua cho thấy cầu Bitcoin lớn hơn cung, nhiều người quan tâm và coi Bitcoin là dạng tài sản đầu tư. Thực tế, Bitcoin vẫn tồn tại, bất chấp các quốc gia có cho phép hay không.
Bởi vậy, ông Hưng cho rằng, Việt Nam cần sớm có khung pháp lý thừa nhận Bitcoin là một loại hàng hoá và bắt buộc giao dịch qua sàn giao dịch tập trung để nhà nước giám sát, thu thuế, cũng như kiểm soát tội phạm lừa đảo lợi dụng nhu cầu đầu tư thật của người dân. Tuy nhiên, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, việc thừa nhận Bitcoin là một loại hàng hoá hoặc cho phép giao dịch qua sàn giao dịch tập trung cần phải xem xét thận trọng.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước trong tháng 8/2018 hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về tiền điện tử trình Thủ tướng Chính phủ. Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về thuế đối với tài sản ảo, tiền ảo, hoàn thành vào tháng 6/2019. Bộ Công an đề xuất biện pháp phòng, chống, xử lý các vi phạm hình sự về gian lận, rửa tiền, tài trợ khủng bố và các tội phạm khác liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo vào tháng 9/2019.
Các chuyên gia cho rằng, lộ trình như vậy là chậm, cần phải đẩy nhanh hơn nữa để theo kịp thực tiễn. Trong khi chưa có khung khổ pháp lý rõ ràng, người đầu tư loại tài sản này đứng trước nhiều rủi ro vì không được pháp luật bảo vệ, nếu xảy ra tranh chấp hoặc thua lỗ, mất tiền thật. Do đó, người dân cần thận trọng khi tham gia đầu tư, giao dịch. Về phía cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện khung pháp lý để kịp thời quản lý, xử lý các loại tài sản ảo, tiền ảo, tiền điện tử cho phù hợp./.Có nên buộc giao dịch tiền ảo Bitcoin qua sàn tập trung?
Tiền ảo Bitcoin: Sẽ kéo dài bao lâu, quản lý thế nào?