Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị, các nông, lâm trường quốc doanh đã hoàn thành việc xác định rõ chức năng, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh; sắp xếp, chuyển đổi thành các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thuộc sở hữu Nhà nước.Sau sắp xếp, hầu hết các công ty nông, lâm nghiệp ổn định và phát triển vùng nguyên liệu sẵn có của mình và không ngừng nâng cao đầu tư khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hình thành các vùng nguyên liệu tập trung.

Ông Nguyễn Xuân Quang, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình nhận định: Việc triển khai Nghị quyết 28 nhằm bảo vệ rừng hiệu quả cần giao diện tích rừng cho các đơn vị có tiềm lực kinh tế hơn là tiếp tục giao cho các Ban quản lý yếu kém. Ông Nguyễn Xuân Quang cho biết tỉnh Quảng Bình đã chú trọng đổi mới nội dung, đổi mới bộ máy tổ chức, đổi mới cơ chế quản lý điều hành và đặc biệt gắn vào sản xuất kinh doanh, gắn với đất đai, bảo vệ rừng, khai thác rừng có hiệu quả. Đến nay, tỉnh cơ bản đã rà soát đất tại các nông, lâm trường, tiến hành giao quyền sử dụng đất.

nong%20truong.jpg
Nông trường chè (ảnh minh họa)

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đăng Khoa, phần lớn đất đai và rừng chưa được rà soát, đo đạc trên thực địa, chưa lập bản đồ địa chính, diện tích đất được cấp sổ đỏ chiếm tỷ lệ thấp. Nhiều công ty nông, lâm nghiệp sử dụng đất đai, rừng, vườn cây lâu năm hiệu quả còn thấp; chưa đổi mới và phát triển các hình thức khoán ổn định, lâu dài đến hộ công nhân, người lao động… Đây là nguyên nhân khiến các địa phương và nông, lâm trường lúng túng chuyển đổi mô hình hoạt động phù hợp. Ông Hồ Minh Khải, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nông nghiệp Cờ Đỏ (Cần Thơ) cho biết: Trong quản lý đất đai, công ty đã rất thành công với cánh đồng mẫu lớn, tuy nhiên vẫn còn tồn tại tranh chấp đất đai giữa hộ nông dân có đất gốc và hộ giao khoán. Đây cũng là khó khăn cho doanh nghiệp khi tiến hành cổ phần hóa…

Trên thực tế, do làm ăn thua lỗ kéo dài nên một số nông, lâm trường buông lỏng quản lý đất đai, thiếu kiểm tra. Sự phối hợp giữa chính quyền địa phương các cấp với nông, lâm trường còn lỏng lẻo, việc xử lý và ngăn chặn hành vi lấn chiếm còn thiếu cương quyết để kéo dài nhiều năm, thậm chí bất lực trong việc giải quyết mâu thuẫn đất đai. Đây cũng được xem là “nút thắt” lớn nhất mà các công ty nông nghiệp cần tìm cách tháo gỡ. Ông Nguyễn Đức Luyện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông nêu ý kiến, việc kiểm kê, đánh giá lại tài nguyên rừng là rất cần thiết nhưng vì số liệu hiện nay chưa phản ánh được con số thực, không biết nguồn tài nguyên đến đâu để có giải pháp ứng xử, từ đó mới xác định được nguồn nào quản lý, nguồn nào sản xuất, nguồn nào chuyển sang lâm nghiệp.

Theo ông Luyện, những diện tích rừng mà dân đã canh tác ổn định từ 5 đến 10 năm như cà phê, cao su…. không nên đưa vào diệc tích lâm nghiệp nữa mà cần có cơ chế, chính sách chuyển về địa phương giao đất cho người dân đầu tư thâm canh, ổn định sản xuất.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị tổng kết 10 năm triển khai Nghị quyết 28 vừa diễn ra tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh yêu cầu tiên quyết đặt ra là đất đai và rừng phải có người quản lý, không thể để tình trạng không ai quản lý, quản lý không hiệu quả, thậm chí có nơi còn để xảy ra thất thoát. Theo Phó Thủ tướng, trước hết cần gắn quyền lợi với trách nhiệm trong lĩnh vực quản lý này, từ đó xử lý hài hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Đồng thời cần phân loại rừng với những tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể, để nghiên cứu xây dựng phương án đo đạc, cắm mốc, kiểm kê đất, xử lý các tồn tại về đất đai, chuyển đổi  mô hình công ty nông nghiệp phù hợp thực tế./.