Thuở bé đến giờ từ trong suy nghĩ và những trang sách, hai chữ nông trường gợi cho tôi một khái niệm thật nhân hậu, yên bình. Nó hình thành trong trí nhớ của tôi từ những cánh đồng Nga phì nhiêu, những trang trại của những người mugic lành hiền, tốt bụng cho tới nơi quê nhà với những cánh đồng thẳng cánh cò bay, những con sông chằng chịt miền châu thổ.
Hai chữ nông trường gợi một mô hình rất xã hội chủ nghĩa, ở đó con người được bình đẳng, được phát huy năng lực của mình. Và trên hết họ được làm chủ đất đai, bắt tài nguyên đó sinh sôi của cải cho mình. Những trạm xá mọc lên oe oe chào đời những đứa trẻ- thành viên tương lai của nông trường; những trường học rộng mở đón con em người nông dân áo vá, chân trần ngẩng đầu đón nắng hạn mưa dầm…
Tôi càng củng cố niềm tin yêu về khái niệm nông trường đó khi biết rằng ở Đồng bằng sông Cửu Long xa xôi có một nông trường với đầy đủ những vẻ đẹp nhân văn như thế: NÔNG TRƯỜNG SÔNG HẬU. Rồi năm tháng đi qua, tôi không theo dõi thật kỹ về hoạt động của nông trường này, chỉ biết được qua thông tin của các đồng nghiệp về thành tích tuyệt vời của cha con bà Trần Ngọc Sương.
Tôi thầm cảm phục người phụ nữ ấn tượng châu Á này. Phải giỏi giang và đầy tình người như thế nào mới có thể nhiều năm trời bắt những khoảng đất mênh mông cất nên lời, nhiều năm trời khiến những người nông dân vững tin vào một mô hình vượt khỏi những báo cáo thi đua thành tích vang dội sang cả các nước bạn và đọng lại trong cuộc đời nhiều gia đình.
Nhưng rồi…
Lần tôi vào Đồng bằng sông Cửu Long nhận công tác, bà Ba Sương đang chờ ra tòa. Đúng- sai, công- tội- mọi chuyện có phán quyết nơi tòa án lý-tình. Và cuộc đời cũng sẽ giữ lại những giá trị đã từng làm nên một danh hiệu. Nhưng vẫn thấy hụt hẫng mỗi lần ngang qua nông trường, mỗi lần ngồi nghe những xôn xao xung quanh một số phận, một cuộc đời…
Lần gặp ở sân bay Trà Nóc, bà nhầm tôi với một đồng nghiệp, cứ bắt chặt tay và thốt một câu không hướng vào một ai- câu nói như lời tự nhủ khẽ buông vào khoảng không trước mặt: em yên tâm, chị sẽ vượt qua… Tôi để yên bàn tay mình trong tay bà, bàn tay của một phụ nữ đã làm được nhiều việc mà nhiều đàn ông không làm được, bàn tay ấy không ngờ có ngày phải chống chọi với bệnh tật và những đổ vỡ…
Con người đó từng chiều sau dịp gặp ở sân bay độ tháng Chạp, vẫn thấy đi đi ngoài phố, gương mặt phảng phất nỗi cô đơn, cả cho đến khi tôi hay tin hơn 100 công dân của nông trường làm đơn xin ở tù thay bà thì vẫn thấy nét buồn cô đơn đó trên những trang báo. Người phụ nữ này cô đơn cả một quãng thời gian dài khi nông trường bị “phong tỏa” để điều tra; và trước đó, không được những “chỉ giúp” kịp thời khi mọi sự đã thay đổi.
Và giờ hay tin anh hùng Ba Sương được đình chỉ tố tụng, thấy lòng thảnh thơi hơn dù vẫn còn găm lại những nỗi day dứt, tiếc nuối, ngậm ngùi… và cả những bài học đau xót…/.