Chiều 5/6, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giải trình làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến lĩnh vực giao thông.

Báo cáo Quốc hội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, thời gian qua, Nhà nước đã dành nhiều ngân sách và huy động các nguồn lực để đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, do đó, hệ thống hạ tầng giao thông đã có sự phát triển nhanh chóng, góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần thúc đẩy phát triển KTXH, đảm bảo quốc phòng an ninh và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

ptt_kapi.jpg
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giải trình trước Quốc hội.

Hệ thống hạ tầng giao thông còn nhiều nút thắt

Tuy nhiên, trong lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế, bất cập như: Hệ thống hạ tầng giao thông hiện nay chất lượng còn thấp, kết nối thiếu đồng bộ, còn nhiều nút thắt cần phải giải quyết. Theo Phó Thủ tướng, về đường bộ, có 295.000km nhưng hiện nước mới có 977km cao tốc, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực.

Hệ thống đường sắt Việt Nam được xây dựng cách đây cả trăm năm rất cũ kỹ, lạc hậu, thiếu an toàn.

Hệ thống sân bay cảng biển đã có bước phát triển, nhưng tình trạng quá tải tại một số sân bay như Tân Sơn Nhất, Nội Bài đang gia tăng. Giao thông đường thuỷ nội địa chưa được khai thác hiệu quả

Việc kết nối các loại hình giao thông với nhau cũng như kết nối với các khu vực kinh tế, đô thị còn chậm và thiếu đồng bộ.

Việc đầu tư hạ tầng cho vùng Tây Bắc, Đông Bắc, kết nối giao thông giữa khu vực Tây Nguyên với khu vực duyên hải miền Trung, khu vực TPHCM còn nhiều khó khăn.

Đầu tư phát triển hạ tầng các đô thị lớn còn chậm, đặc biệt là hệ thống đường sắt đô thị đã ảnh hưởng đến ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường…Đầu tư cho hạ tầng khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long còn chưa đáp ứng yêu cầu của sự phát triển.

Cơ cấu của các loại hình vận tải còn mất cân đối. Hệ thống đường sắt mới đáp ứng được 1,31% tổng lượng vận chuyển hàng hoá và 1,97% tổng lượng hành khách.

Đặc biệt, các ĐBQH rất bức xúc về tình trạng quản lý đầu tư xây dựng các công trình ngành Giao thông còn nhiều hạn chế yếu kém: Tình trạng tăng vốn, đội vốn ở những công trình trọng điểm; Nhiều công trình chậm tiến độ; Chất lượng công trình thấp; Việc quản lý đầu tư vận hành khai thác các dự án BOT giao thông còn nhiều bất cập, gây bức xúc cho người dân; Còn nhiều lo ngại về lựa chọn nhà đầu tư kém năng lực; Công tác quản lý xe vận tải còn nhiều lúng túng, đặc biệt là với xe hợp đồng điện tử; Tình trạng trật tự ATGT vẫn diễn biến phức tạp cả trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thuỷ hay hàng không.

Lựa chọn nhà thầu công khai, minh bạch

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, trong thời gian tới, trước hết phải đẩy nhanh tiến độ các dự án của ngành giao thông đã được bố trí vốn đầu tư công trung hạn 2016 – 2020, cũng như các dự án đang dở dang, các dự án đối tác công - tư.

Đẩy nhanh công tác lựa chọn nhà thầu để thực hiện đầu tư tuyến cao tốc Bắc-Nam và sân bay Tân Sơn Nhất.

Tuyến đường sắt Cát Linh- Hà Đông.

“Quan điểm của Thủ tướng Chính phủ là phải lựa chọn nhà thầu công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật. Ưu tiên các nhà thầu trong nước đủ năng lực. Đối với nhà thầu, nhà đầu tư nước ngoài phải là những nhà thầu có năng lực, trách nhiệm, có uy tín được kiểm chứng. Không để xảy ra tình trạng đáng tiếc tương tự như dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông” - Phó Thủ tướng khẳng định.

Tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ các dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, tuyến Bắc Giang - Lạng Sơn. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu phải cơ bản hoàn thành tuyến đường này vào năm 2020 (như ý kiến của các vị ĐBQH).

Tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị, sớm đưa vào vận hành thương mại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Đẩy nhanh tiến độ cải tạo nâng cấp các tuyến vận tải thuỷ nội địa đã có vốn (như tuyến kênh Chợ Gạo). Đây là nút thắt của ĐBSCL, đã được Thủ tướng đề nghị Quốc hội bố trí vốn, trước mắt là 500 tỷ đồng.

Tập trung giải quyết những tồn tại bất cập trong các dự án BOT giao thông đảm bảo hài hoà lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư, đặc biệt là lợi ích của người dân. Kiên quyết không đầu tư các dự án mới tại các tuyến độc đạo.

 Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng cho biết, thời gian tới sẽ tiến hành rà soát lại các quy hoạch về kết cấu hạ tầng giao thông, xác định nút thắt lớn để có kế hoạch đầu tư xây dựng.

Xây dựng chiến lược, kế hoạch đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2021 – 2025 - 2030.

Theo Phó Thủ tướng, tất cả các dự án chưa được bố trí vốn trong đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 phải chuyển sang giai đoạn 2021-2025 thậm chí 2030 trừ trường hợp huy động được vốn xã hội hoá.

Tập trung lựa chọn những dự án ưu tiên để tập trung đầu tư cho giai đoạn 2021-2025, 2030 như Quốc lộ 62, đường tránh ĐBSCL.

“Dự kiến sẽ tập trung vào những nhiệm vụ chính, đường bộ tập trung dự kiến xây dựng thêm 3000km đường cao tốc. Vì trong giai đoạn 10 năm chúng ta xây dựng 2000km đường cao tốc, trên tổng quy hoạch 6500km cao tốc của cả nước. Chúng ta tập trung xây dựng một số tuyến đường sắt ưu tiên, trong đó có tuyến HN-Vinh; TPHCM-Nha Trang, TPHCM – Cần Thơ.  Nếu như có điều kiện đầu tư giai đoạn 2021-2030”- Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết.

Hiện Thủ tướng giao Bộ GTVT lập dự án tiền khả thi, sẽ báo cáo Thủ tướng để báo cáo Bộ Chính trị, Trung ương, sau đó báo cáo Quốc hội là người quyết định cuối cùng có đồng ý cho đầu tư giai đoạn 2021-2030 hay ngoài giai đoạn này; cải tạo nâng cấp đường sắt hiện có; bố trí vốn để nâng cấp cải tạo các tuyến giao thông hiện có. Tập trung đầu tư các đoạn kết nối đường bộ, loại hình giao thông với khu công nghiệp, khu kinh tế, các cảng biển. Dự kiến nguồn vốn đầu tư cho giai đoạn 2021-2030 khoảng trên 2 triệu tỷ đồng.

Trên cơ sở đó, cân đối nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn huy động xã hội, nhiệm vụ là phải xác định rõ công trình dùng vốn ngân sách, công trình dùng vốn vay ODA, các công trình dùng vốn xã hội, vỗn hỗn hợp.

Tập trung làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư. Theo Phó Thủ tướng, hiện Chính phủ đã đề nghị tách kinh phí làm đầu tư ra khỏi dự án đầu tư như trước để chủ động làm đầu tư để chất lượng dự án tốt hơn và đầu tư có hiệu quả; Xây dựng cơ chế đặc thù để huy động nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông; Tăng cường quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông: từ khâu lập, thẩm định, phê duyệt, dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, dự toán công trình, lựa chọn nhà thầu... Đặc biệt chọn được nhà thầu, nhà đầu tư đủ năng lực, công khai minh bạch đảm bảo dự án.

Liên quan đến đầu tư vào khu vực ĐBSCL, Phó Thủ tướng cho rằng, đây là trung tâm cung cấp lương thực, thực phẩm của cả nước, đóng góp rất lớn cho xuất khẩu của ngành nông nghiệp. Khu vực này đã được nhà nước quan tâm đầu tư. Hệ thống hạ tầng ĐBSCL khá đồng bộ, giao thông đường thủy nội vùng phát triển tốt, tuy nhiên còn bất cập so với yêu cầu của khu vực phát triển, cần phải tập trung để đầu tư phát triển trong giai đoạn tới.

“Hiện nay nút thắt của vùng này là liên kết giữa vùng ĐBSCL với khu vực  TP HCM và với khu vực cảng biển Cái Mép-Thị Vải. Chúng ta phải giải quyết nút thắt này. Hiện đường bộ đang giải quyết, phải quyết liệt để đến năm 2020 cơ bản phải xong đường bộ cao tốc. Đường thủy kênh Chợ gạo và đường sắt có điều kiện sẽ đầu tư tiếp. Còn trong nội vùng, tiếp tục đầu tư trong giai đoạn tới”- Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ./.