Đây là mức tăng cao nhất kể từ khi khảo sát được bắt đầu thực hiện nhờ vào sản lượng và đơn hàng trong nước.

HSBC nhận định, trong khi những khó khăn khách quan vẫn đang rất mãnh liệt thì nhu cầu trong nước đang hồi phục nhanh, tăng trưởng tín dụng và nhập khẩu đều tăng mạnh

Như kỳ vọng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phá giá tiền đồng vào đầu tháng 5 để hỗ trợ xuất khẩu và hạ nhiệt tăng trưởng hoạt động nhập khẩu.

pmi_ydxe.jpg
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Theo báo cáo của HSBC, lĩnh vực sản suất của Việt Nam đang đứng ngoài xu thế chung: chỉ số này tiếp tục tăng mạnh ngay cả khi nhu cầu toàn cầu đang yếu đi. Chỉ số PMI ngành sản xuất tháng 5 đã tăng thêm đạt mức 54,8 điểm – mức tăng mạnh nhất trong lịch sử. Sản lượng và đơn hàng mới đã nhảy vọt từ mức 55,6 và 55 điểm lên tương ứng 56,7 và 57 điểm – một kết quả rất ấn tượng trong bối cảnh đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng chậm lại và các nước trong khu vực châu Á đều có chỉ số PMI sụt giảm.

HSBC cho biết, tính từ đầu năm tới nay, nguồn vốn giải ngân FDI trong tháng 5 đã tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi cạnh tranh về lao động, cắt giảm thuế và cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng đang là những yếu tố thúc đẩy tình hình đầu tư nước ngoài và hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp thì các doanh nghiệp trong nước lại thiếu khả năng tận dụng những năng lực cạnh tranh vốn có của mình.

Theo Tổng cục Hải Quan, mức thâm hụt từ đầu năm đến giữa tháng 5 đã lên đến 3,7 tỷ USD. Trong khi điều này chưa thực sự đáng lo ngại thì nó gây thêm áp lực mất giá của tiền đồng, đặc biệt là khi nguồn thu từ khách du lịch vào Việt Nam giảm và danh mục đầu tư suy yếu nếu như tình hình không thay đổi./.