Sau khi Tổng cục Đường bộ (Bộ Giao thông Vận tải) cho phép đặt trụ cấm xe ô tô qua cầu Việt Trì cũ, nhiều người dân đã đến Trạm thu phí BOT cầu Hạc Trì để phản đối quyết định này.
Theo Tổng cục Đường bộ, cầu Việt Trì đã xuống cấp không đảm bảo an toàn giao thông, nhưng thực chất đây chỉ là giải pháp tình thế nhằm đảm bảo mức thu cho Dự án BOT cầu Hạc Trì.
Gần 1 tuần qua, nhiều người dân ở phường Bạch Hạc (TP Việt Trì, Phú Thọ) đã đến Trạm thu phí BOT cầu Hạc Trì để phản đối việc đặt trụ bê tông trên cầu Việt Trì không cho ô tô lưu thông, gây ách tắc giao thông, mất an ninh trật tự tại trạm thu phí BOT Hạc Trì. Đến nay, Công ty BOT cầu Việt Trì mới chỉ đặt trụ bê tông trên đường dẫn hướng từ thành phố Việt Trì đi Hà Nội.
Theo phản ánh của nhiều người dân, việc cấm ô tô qua cầu Việt Trì để đi cầu Hạc Trì ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, nhiều doanh nghiệp, nhà hàng. Sau nhiều lần thương lượng với người dân và thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ, Ban Quản lý Dự án BOT cầu Việt Trì đã giảm 80% tiền phí qua cầu mới Hạc Trì cho người dân sinh sống có ô tô từ 12 chỗ trở xuống ở phường Bạch Hạc, giảm 60% tiền phí cho người dân ở xã Sông Lô và thành phố Việt Trì.
Tuy nhiên, người dân vẫn không đồng tình và mong muốn có quyền được lựa chọn đi đường cũ hay đường mới chứ không thể ép bị đi vào cầu BOT Hạc Trì.
Dự án BOT cầu Hạc Trì được đầu tư khoảng 1900 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn 20 năm. Thế nhưng, không theo như tính toán ban đầu, tại thời điểm hiện nay Công ty Cổ phần BOT cầu Việt Trì chỉ thu được trên 100 triệu đồng/ngày. Nguyên nhân là các phương tiện chuyển hướng đi theo đường cao tốc Hà Nội- Lào Cai và vẫn lưu thông qua cầu Việt Trì cũ từ hướng Hà Nội đến thành phố Việt Trì.
Thời gian tới, theo dự kiến khi Dự án BOT cầu Việt Trì – Ba Vì thông xe, rút ngắn khoảng cách Hà Nội với Việt Trì đến 20 km, thì việc thu phí của dự án BOT cầu Hạc Trì sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nữa. Theo tính toán, nếu một năm thu 36 tỷ thì phải trên 50 năm Dự án BOT này mới thu đủ vốn.
Ông Vũ Văn Mạnh, GĐ điều hành Công ty Cổ phần BOT cầu Việt Trì cho biết, khi đóng một làn cầu Việt Trì buộc xe ô tô phải đi qua cầu Hạc Trì thì doanh số cũng chỉ tăng thêm từ 10 đến 15%.
"Mức thu này mới chỉ đạt khoảng 70 % so với tính toán ban đầu của dự án. Vì lưu lượng xe phân tán cao tốc Hà Nội – Lào Cai, nút IC 7-9( nối từ đường cao tốc thẳng vào thành phố Việt Trì) mà thông thì lượng xe sẽ giảm nữa," ông Mạnh nói.
Quyết định phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng cầu Việt Trì mới, nay gọi là cầu Hạc Trì, ghi rõ: Xây dựng cầu Hạc Trì đảm bảo điều kiện thuận lợi về giao thông nhằm phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, để Việt Trì trở thành đô thị loại 1, góp phần giảm ùn tắc giao thông trên cầu Việt Trì cũ. Tuy nhiên, mới đi vào sử dụng, thu phí được khoảng nửa năm nhưng Dự án BOT cầu Hạc Trì đã bộc lộ nhiều bất cập.
Lẽ ra khi Dự án hoàn thành sẽ tạo điều kiện thuận lợi về giao thông, phát triển kinh tế, xã hội, làm giảm ùn tắc giao thông, phát huy hiệu quả sử dụng của hai cây cầu, thì nay lại làm mất đi giá trị sử dụng của một cây cầu. Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ đã tổ chức hội nghị giải quyết kiến nghị và yêu cầu của người dân đối với chủ Dự án, nhưng người dân vẫn chưa đồng tình.
Ông Nguyễn Tiến Hùng, Phó GĐ Sở Giao thông Vận tải Phú Thọ cho biết: "Bây giờ phải thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Bộ giao thông vận tải thôi, quốc lộ tổ chức phân luồng do Bộ. Mình chỉ có thể giải thích cho dân hiểu vì cái này thẩm quyền của Bộ GTVT".
Rõ ràng, Dự án BOT cầu Hạc Trì không thể thu hồi vốn theo như tính toán ban đầu, ngay cả khi Tổng cục Đường bộ cấm ô tô cả hai làn qua cầu Việt Trì thì Dự án này vẫn sẽ thua lỗ. Đã đến lúc cần xem xét việc xây dựng và triển khai Dự án BOT kém hiệu quả này./.Bộ Giao thông giải trình về dự án BOT dự toán khống hơn 1.200 tỉ đồng