Trước đó, theo kết luận thanh tra của Bộ KH-ĐT, chi phí thực tế tính đến thời điểm thanh tra (tháng 10/2015) so với chi phí được duyệt trong tổng mức đầu tư dự án chênh lệch tới 1.282 tỉ đồng, do không phải sử dụng chi phí dự phòng, giảm lãi vay ngân hàng và chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, trong đó chi phí xây dựng giảm 18,5 tỉ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng giảm 201 tỉ đồng, chi phí dự phòng chưa sử dụng đến là 652,5 tỉ đồng, lãi vay giảm 280,9 tỉ đồng và hoàn thuế giá trị gia tăng 128,3 tỉ đồng.
du_toan_khong_hegp.jpg
 Dự án lập dự toán khống hơn 1.200 tỉ đồng. (Ảnh minh họa)
Về chi phí lãi vay, qua rà soát giảm 280,9 tỉ đồng so với dự toán, Bộ GTVT lý giải do đến thời điểm thanh tra, nhà đầu tư chưa giải ngân hết khối lượng thực hiện, chưa sử dụng chi phí dự phòng và chi phí giải phóng mặt bằng giảm nên lãi vay giảm so với tổng mức đầu tư.
Bộ GTVT cho rằng về chi phí xây dựng, kết luận chi phí nhân công chưa đúng làm tăng thêm 28,4 tỉ đồng, hay việc sử dụng đơn giá nhựa đường làm tăng thêm 20 tỉ đồng do đang có cách hiểu khác nhau giữa các bộ, ngành. Tuy nhiên, bộ này cũng thừa nhận, các sai sót, nhầm lẫn khác làm tăng 18,59 tỉ đồng (gồm phụ cấp lưu động tính theo lương tối thiểu vùng thay vì phải tính theo lương tối thiểu chung, làm tăng 11,28 tỉ đồng; nhầm giá vật liệu thép, cước vận chuyển… làm tăng 7,31 tỉ đồng) liên quan đến trách nhiệm của tư vấn và Ban Quản lý dự án 7. Bộ GTVT đã yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm các đơn vị, cá nhân liên quan theo quy định.
Liên quan đến việc xác định tổng mức đầu tư của các dự án BOT, Bộ GTVT cho rằng tổng mức đầu tư mới là chi phí dự tính của dự án, là cơ sở để chủ đầu tư lập kế hoạch và quản lý vốn (theo Nghị định 112). Tổng mức đầu tư không phải là giá trị thanh toán cho nhà thầu nên không gây thất thoát, lãng phí, không dùng để xác định thời gian thu phí hoàn vốn, nên nhà đầu tư không được hưởng phần chênh lệch thời gian thu phí.
Bộ GTVT cũng khẳng định giá trị tổng mức đầu tư đã được xác định theo đúng quy định của pháp luật, ngoại trừ một số nhầm lẫn, sai sót và cách hiểu khác nhau về chế độ chính sách giữa các bộ, ngành dẫn đến sai lệch tăng 67,13 tỉ đồng (trong đó 48,5 tỉ đồng do còn cách hiểu khác nhau về chế độ chính sách giữa các bộ và 18,59 tỉ đồng do sai sót, nhầm lẫn trong tính toán). Giá trị dự toán chênh lệch phải giảm trừ thanh toán do sai sót, nhầm lẫn trong tính toán dự toán là 18,55 tỉ đồng, Bộ GTVT đã chỉ đạo nhà đầu tư thực hiện khấu trừ giá trị thanh toán theo quy định./.