Gần hai tháng nay, xưởng bóc gỗ của gia đình anh Vũ Văn Đô (ở thôn Lương Thiện, xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) gần như không thể hoạt động. Khoảng 400m3 gỗ nguyên liệu nhập về vẫn chất đống, 500 m3 ván đã bóc chưa thể tiêu thụ, hàng chục lao động của cơ sở cũng vì thế mà không có việc làm.

Từ khi xuất hiện dịch bệnh Covid 19, việc tiêu thụ gỗ ván bóc sang thị trường Trung Quốc không thể thực hiện được khiến anh Đô đứng ngồi không yên.

vov_van_san_xuat_ra_khong_tieu_thu_duoc_ckbl.jpg
Ván sản xuất ra không tiêu thụ được nên nhiều nhà xưởng phải tạm dừng sản xuất.

“Bây giờ tất cả hàng còn tồn đọng hết ở đây. Xưởng từ Tết đến nay chưa hoạt động do chưa có đầu ra nếu bóc ra sản xuất thì tiền trả công nhân cũng không trang trải được. Xưởng tôi có 40 công nhân nhưng tạm thời đều nghỉ hết. Chưa biết có biện pháp gì để giải phóng được mặt hàng này”, anh Đô than thở.

Xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên vốn được coi là thủ phủ của nghề chế biến gỗ ván bóc, với hơn 100 cơ sở chế biến, mỗi ngày tiêu thụ tới hàng trăm mét khối gỗ nguyên liệu; phương tiện vận chuyển hàng đi tiêu thụ ngược xuôi tấp nập, nay bỗng ảm đạm, có nhiều xưởng đã phải dừng.

Cơ sở của gia đình anh Đặng Quang Tùng (ở thôn Đồng Bằng), mấy ngày qua mới tái khởi động sản xuất trở lại, bắt đầu xuất chuyến hàng gỗ sơ chế đầu tiên trong năm mới để giao về Hà Nội. Thế nhưng, theo anh Tùng, tình hình sản xuất của cơ sở mình cũng không mấy khả quan, bởi số ván bán đợt này dù có bán cũng chỉ là bán chịu, giá giảm so với trong năm cả triệu đồng, phần gỗ để sản xuất cũng chỉ còn vài hôm. Nếu thị trường tiêu thụ gỗ phía Trung Quốc vẫn còn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thì chắc chắn các cơ sở gỗ ván bóc như của gia đình anh đều gặp khó.

Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid 19, không chỉ có các xưởng chế biến gỗ gặp khó khăn, mà còn kéo theo những hệ lụy khác như: nhiều lao động thường xuyên không có việc làm, nguồn thu ngân sách của xã khoảng 80%...

“Gần hai tháng trở lại đây, tình hình sản xuất rất hạn chế, gần như sản phẩm gỗ bóc không xuất khẩu được dẫn tới việc gỗ đọng, việc khai thác của người dân cũng bị ngưng trệ. Các xưởng hiện nay đa số tạm nghỉ, gây khó khăn trong phát triển kinh tế”, ông Triệu Khánh Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên cho biết.

Nếu tình hình dịch bệnh còn kéo dài, nhiều cơ sở chế biến gỗ rừng trồng không chỉ ở Lương Thịnh mà nhiều địa phương khác ở Yên Bái chắc chắn sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa. Do đó, cần có những giải pháp chuyển đổi sản xuất, tìm kiếm thị trường mới hay điều chỉnh những chính sách về thuế, lãi suất ngân hàng… để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các hộ sản xuất./.