Các đại biểu cũng tin tưởng việc lập lại kỷ cương phép nước và những chỉ đạo điều hành của Thủ tướng Chính phủ theo hướng chuyển từ tăng trưởng về lượng sang tăng trưởng về chất và việc cải thiện môi trường kinh doanh sẽ là những yếu tố cơ bản để khơi thông nguồn lực để nền kinh tế nước ta đạt được sự tăng trưởng như mục tiêu đặt ra.

Các đại biểu đánh giá mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay là hoàn toàn có cơ sở khi những tháng cuối năm kinh tế đất nước tăng trưởng trên nhiều lĩnh vực.

dai_bieu_vov_3__tetz.jpg
Ông Đỗ Văn Sinh- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị.

Đại biểu Đỗ Văn Sinh, đoàn Quảng Trị cho biết: “Xuất nhập khẩu của chúng ta nhập siêu khoảng 3 tỷ USD đây là phát triển tích cực vượt bậc so với năm 2016. Từ đầu năm, chúng ta đang thu hút được nguồn lực đầu tư nước ngoài FDI rất mạnh, cùng với đó là những cải cách về cơ chế chính sách, hệ thống thủ tục hành chính tiếp tục được cởi mở sẽ giúp nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam ngày một tăng, kể cả nguồn vốn ngoại và nội lực trong nước".

 Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Trần Văn Lâm - đoàn Bắc Giang nhận định: "Tôi cho rằng mục tiêu tăng 6,5 - 6,7% là phù hợp, bởi chúng ta đã có quá trình. Từ đầu nhiệm kỳ đến giờ, Chính phủ đã điều hành nền kinh tế trên cơ sở đặt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô lên hàng đầu giúp tạo nền tảng cho giai đoạn sau này tăng trưởng bền vững.

Và trong thời gian tới đây, Chính phủ vẫn đặt mục tiêu trước tiên phải ổn định kinh tế vĩ mô; quan tâm đến chất lượng tăng trưởng chứ không quá chú trọng đến tốc độ tăng trưởng".

Ông Phan Ngọc Thọ - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế.

Bày tỏ tin tưởng vào sự tăng trưởng của nền kinh tế, nhưng đại biểu Phan Ngọc Thọ, đoàn Thừa Thiên- Huế đề nghị, cần có giải pháp để đảm bảo thu ngân sách để thúc đẩy đầu tư phát triển: “Mặc dù chúng ta biết những khoản thu cho phát triển kinh tế xã hội những tháng đầu năm hết sức khó khăn, nhưng, những cố gắng và nỗ lực chung của Chính phủ trong những tháng cuối năm đặc biệt trong quý 3 thì sự tăng trưởng cũng đã vượt bậc. Tuy nhiên, nguồn thu này chủ yếu tăng từ ngân sách địa phương, ngân sách của trung ương vẫn còn nhiều khó khăn.

 Như vậy, rõ ràng đây là vấn đề cần đặt ra nếu chúng ta không đảm bảo thu ngân sách của trung ương thì khó để đảm bảo khoản chi mang tính chủ đạo của trung ương trong quá trình đầu tư phát triển".

Ngoài ra, các đại biểu cũng đánh giá cao Chính phủ đã đặt rất rõ mục tiêu trọng tâm của năm 2018 là ổn định kinh tế vĩ mô và thay đổi về mặt chất lượng tăng trưởng, chứ không đề cao về vấn đề lượng tăng trưởng và đặc biệt là việc tạo ra môi trường kinh doanh tốt.

Đại biểu Hoàng Văn Cường đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội

Đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Hà Nội cho rằng, mục tiêu tăng trưởng năm 2018 từ 6,5 - 6,7% đã tạo ra được khoảng dao động để thuận lợi trong việc huy động nguồn lực phục vụ cho tốc độ tăng trưởng bền vững. Khoảng giao động này cho thấy mục tiêu quan trọng mà Chính phủ hướng tới là thành quả phát triển chứ không phải là một con số.

Đại biểu Hoàng Văn Cường bày tỏ:“Tôi cho rằng báo cáo đã thể hiện rất rõ tư tưởng chỉ đạo nhiệm kỳ này là thay đổi mô hình tăng trưởng không phải tăng trưởng về lượng hoặc dựa vào yếu tố nguồn lực tự nhiên mà phải chuyển sang tăng trưởng về chất dựa vào tăng trưởng có hiệu quả. Đấy là điểm mà tôi cho là trong năm 2018 phải nhấn mạnh.

Trong những mục tiêu đó, trong năm 2018 Chính phủ đặt mục tiêu ưu tiên nhất có lẽ chính là mục tiêu thay đổi cải cách môi trường kinh doanh, thể chế để thực sự tạo ra được chính phủ kiến tạo, chính phủ liêm chính nhằm tạo điều kiện khơi thông nguồn lực. Và việc khơi thông được nguồn lực tạo ra được môi trường kinh doanh tốt sẽ là một yếu tố tạo ra sự phát triển bền vững cho thời gian lâu dài về sau"./.