Bước sang năm 2015, nhu cầu nhà ở xã hội được đánh giá là vẫn rất cao. Tuy nhiên, người dân còn nhiều băn khoăn về khả năng tiếp cận và sở hữu được sản phẩm này. Nhân dịp Xuân Ất Mùi, qua Báo điện tử VOV.VN, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng chia sẻ những việc sẽ làm để thúc đẩy phát triển loại hình nhà ở này.
PV: Thưa Bộ trưởng, ông đánh giá việc phát triển nhà ở xã hội ở nước ta hiện đạt kết quả như thế nào?
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Ra đời và phát triển loại hình nhà ở xã hội là sự cố gắng rất lớn của Chính phủ và các Bộ ngành, của các địa phương. Hiện nay, nhu cầu nhà ở xã hội vẫn còn rất lớn. Có thể nói, trong số những người có nhu cầu về nhà ở có đến 80% người dân không đủ khả năng tự mình chi trả theo cơ chế thị trường. Do đó, nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ người dân có chỗ ở phù hợp với khả năng thanh toán, trong đó có sự hỗ trợ về đất, hỗ trợ về vay vốn có lãi suất ưu đãi như đang thực hiện…
Cho đến hết năm 2014, cả nước đã hoàn thành đầu tư xây dựng 102 dự án nhà ở xã hội, trong đó có 38 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp, quy mô xây dựng 19.686 căn hộ; 64 dự án nhà ở cho công nhân, với quy mô xây dựng 20.277 căn hộ.
Hiện tại, đang tiếp tục triển khai 150 dự án, trong đó có 91 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp, quy mô xây dựng khoảng 55.830 căn hộ; 59 dự án nhà ở cho công nhân, quy mô xây dựng khoảng 66.753 căn hộ…
Năm 2014, cả nước đã phát triển thêm khoảng 0,8 triệu m2 nhà ở xã hội (tương đương khoảng 12.000 căn hộ), đưa tổng diện tích nhà ở xã hội toàn quốc đạt khoảng 1,8 triệu m2.
Nhưng hiện nay, nhà ở xã hội mới đang ở giai đoạn đầu, đang hoàn thiện chính sách, đặc biệt là sau Nghị định 188, Luật Nhà ở có 1 chương về nhà ở xã hội, trong đó có quy định rõ đối tượng được mua nhà ở xã hội, những chính sách hỗ trợ cho phát triển nhà ở xã hội. Đây là hành lang pháp lý hết sức quan trọng, là môi trường để huy động các nguồn lực cho phát triển nhà ở xã hội.
Việc phát triển nhà ở xã hội không chỉ trong một vài năm, không chỉ trong ngắn hạn mà lâu dài. Thu nhập bình quân đầu người ở nước ta mới khoảng 2.000 USD/người/năm. Chúng ta đang rất cần nhà ở xã hội, kể cả những nước thu nhập 50.000 USD/người/năm họ vẫn đang phát triển nhà ở xã hội và cần có sự hỗ trợ.
PV: Ngay trong năm 2015 này, giải pháp nào sẽ được thúc đẩy để phát triển loại hình nhà ở này, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Hành lang pháp lý đảm bảo cho việc phát triển nhà ở xã hội bền vững đã được chúng ta chuẩn bị kỹ càng. Những quan điểm mới về phát triển nhà ở xã hội đã được nêu trong Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết của Đảng và đã được thể chế hóa trong Luật Nhà ở sửa đổi.
Ngay trong Nghị định 188/2013/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội đã đưa ra các chế tài bắt buộc các doanh nghiệp khi tham gia phát triển nhà ở thương mại phải có trách nhiệm dành 20% diện tích đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, đồng thời giao Ngân hàng chính sách xã hội cho người có thu nhập thấp vay vốn mua nhà với lãi suất hợp lý và thời gian dài.
Năm 2015 sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các dự án nhà ở xã hội phát triển, nhưng trên hết là vai trò của các địa phương. Các địa phương phải xây dựng được chương trình phát triển nhà ở xã hội. Sau đó, kêu gọi các nhà đầu tư để họ tập trung vào các dự án để phát triển và Nhà nước, trong đó có các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương tạo mọi điều kiện theo đúng quy định của pháp luật để hỗ trợ cho các doanh nghiệp được phát triển nhà ở xã hội. Đồng thời, hỗ trợ cho người dân có đủ điều kiện để mua nhà ở xã hội, đặc biệt là hỗ trợ về tín dụng ưu đãi.
PV: Cái khó nhất của người mua nhà ở xã hội có lẽ là thiếu vốn. Gói tín dụng hỗ trợ về nhà ở có tính chất gỡ nút thắt này. Nhưng tốc độ giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng thời gian qua còn chậm, người dân than phiền vì khó tiếp cận. Bộ trưởng có thấy thực trạng này không? Năm 2015, Bộ Xây dựng sẽ làm gì để nút thắt về vốn tín dụng thực sự được gỡ?
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng hay gói hỗ trợ tín dụng với lãi suất thấp, ưu đãi – đây là một chương trình lâu dài mà trong Nghị định 188 đã nói: các ngân hàng thương mại phải dành tối thiểu 3% dư nợ tín dụng để cho vay với lãi suất ưu đãi để cho doanh nghiệp cũng như người dân phát triển nhà ở xã hội và mua hoặc thuê nhà ở xã hội.
Đây là một chương trình lâu dài nhưng phải đúng đối tượng, chứ không thể dùng tiền này sai đối tượng được. Nhưng cũng không phải vì thế mà chậm, và hết gói này, có thể Chính phủ sẽ yêu cầu tiếp tục phải có một gói khác để cho người có nhu cầu mua nhà ở xã hội vay, người đầu tư nhà ở xã hội được vay.
Tuy nhiên, việc thực hiện giải ngân nhanh chóng hay không phụ thuộc vào việc có nhiều sản phẩm nhà ở xã hội hay không. Và còn phụ thuộc điều kiện cho vay của ngân hàng, họ đảm bảo vừa bảo toàn vốn, đồng thời tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận nguồn vốn này một cách tiện lợi và dễ dàng nhất.
PV: Trước thực trạng nhu cầu nhà ở xã hội thì nhiều, khả năng đáp ứng còn thấp, Bộ trưởng nghĩ gì và sẽ làm gì?
Bộ trưởng Bộ Xây dựng: Mặc dù một số địa phương đã tích cực thực hiện chương trình phát triển nhà ở, nhất là xây dựng nhà ở xã hội, giúp cho hàng chục nghìn người thu nhập thấp tại khu vực đô thị, công nhân làm việc tại các khu công nghiệp có nhà ở. Nhưng thực tế vẫn còn nhiều gia đình có khó khăn về nhà ở, nhất là các đối tượng có thu nhập thấp tại khu vực đô thị, công nhân lao động tại các khu công nghiệp tập trung.
Theo tính toán nhu cầu về nhà ở xã hội tại đô thị và các khu công nghiệp từ nay đến năm 2020 vào khoảng hơn 1 triệu căn hộ. Tập trung chủ yếu tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các địa phương có nhiều khu công nghiệp như: Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tầu, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh… Phần lớn công nhân phải thuê nhà ở trong khu dân cư, đời sống rất khó khăn, tạm bợ... Nhưng hiện nay có rất ít doanh nghiệp đầu tư nhà ở cho công nhân thuê. Đây cũng chính là điều tôi còn trăn trở.
Bởi vì việc phát triển nhà ở xã hội yêu cầu phải có nguồn vốn lớn, nhưng lợi nhuận thấp, thậm chí tỷ lệ lợi nhuận do nhà nước khống chế, thời gian thu hồi vốn dài, nhất là đối với nhà ở xã hội cho thuê, trong khi nguồn vốn từ ngân sách nhà nước hạn chế, vì vậy không khuyến khích được các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội.
Thu nhập của người dân, công nhân lao động tại các khu công nghiệp còn thấp, không đủ tích lũy để mua nhà ở, trong khi chúng ta chưa có cơ chế để hình thành các định chế tài chính nhà ở để cho người dân vay vốn với lãi suất hợp lý, thời gian trả nợ dài để mua nhà ở. Trong khi tâm lý người dân vẫn muốn sở hữu nhà ở mà chưa sẵn sàng để thuê nhà ở sống lâu dài.
Một số địa phương có nơi, có lúc chưa thực sự quan tâm tìm các giải pháp để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội. Trong khi chúng ta chưa có chế tài để khuyến khích nơi làm tốt và xử lý trách nhiệm đối với nơi làm chưa tốt hoặc không làm.
Để khắc phục những tồn tại, Bộ Xây dựng sẽ đẩy mạnh Chương trình phát triển nhà ở xã hội. Việc phát triển nhà ở xã hội không chỉ trong một vài năm, không chỉ trong ngắn hạn mà là lâu dài, đòi hỏi chúng ta phải tập trung, quyết liệt, đưa các chương trình nhà ở xã hội trở thành mục tiêu, tiêu chí, một nhiệm vụ chính trị của mỗi ngành, mỗi địa phương, có như vậy, việc phát triển nhà ở xã hội mới thực sự đi vào thực chất và người lợi chính là người dân./.
PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!