Trên Báo Đất Việt ngày 13/3 có phản ánh, tại Hội nghị thảo luận hoàn thiện các nội dung dự án Luật Đầu tư công diễn ra tuần qua, một vấn đề rất nóng được các đại biểu bàn luận, đó là đầu tư xây dựng đường cao tốc Việt Nam.
Đại biểu Trịnh Ngọc Thạch (Đoàn Hà Nội) đưa ví dụ, làm 1km đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đoạn đi qua thành phố Đà Nẵng sẽ mất khoảng 267 tỷ đồng, tương đương 12,7 triệu USD. Trong khi Trung Quốc làm chỉ có 5 triệu USD/km, còn Mỹ thì chỉ mất 4,5 triệu USD/km.
Ông Thạch nói thẳng băng: “Làm đường cao tốc Việt Nam đắt hơn gấp 3 lần Mỹ, và 2,6 lần Trung Quốc. Đầu tư công ở Việt Nam lãng phí và thất thoát như thế nhưng lại chưa quy định rõ cấp nào sẽ chịu trách nhiệm”.
Nhiều yếu tố khách quan...
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với báo Lao Động, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho rằng, việc so sánh chỉ là tương đối, vì giá hình thành phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau. Có thể kể đến như vấn đề địa chất thủy văn, nhiều dự án phải đi qua nền đất xấu, phức tạp nên cần xây nhiều cầu khiến mức chi phí xây dựng cầu chiếm từ 20-25% tổng mức đầu tư. Cứ nói đến xây cầu là nói đến mức đầu tư cao gấp 3-5 lần so với làm đường.
Ông Thăng cũng cho rằng, do ảnh hưởng bởi mật độ dân cư và tập quán sinh hoạt sống bám theo đường ở Việt Nam cũng làm giá đường cao tốc tăng cao. Tại Mỹ, Nhật, Hàn Quốc... bình quân từ 100-200km mới cần một nút giao. Nhưng ở Việt Nam, tại nhiều dự án, cứ 10km lại có một nút giao, 500 mét một cống chui, trong khi có những nút giao tốn kém đến 2.000 tỉ đồng.
Nhưng yếu tố làm giá đường cao tốc bị đội cao và cũng là vấn đề nan giải nhất theo ông Thăng chính là vấn đề giải phóng mặt bằng (GPMB). Khảo sát toàn bộ các tuyến cao tốc tại Việt Nam, chi phí cho GPMB chiếm bình quân từ 8-10% tổng mức đầu tư. Đây cũng chính là yếu tố khiến các dự án bị chậm, có dự án chậm đến 5 năm và liên tục bị trượt giá do kéo dài thời gian.
Dự án chậm là "có vấn đề"?
Vẫn trên báo Lao Động, Bộ trường Thăng cũng đã phải thẳng thắn thừa nhận: Có chuyện nhà thầu bắt tay nhau để trúng thầu bằng mọi giá, trúng bằng giá thấp, sau đó cố tình kéo dài thời gian để dẫn tới trượt giá để xin điều chỉnh. Thậm chí, có tình trạng nhà thầu cố tình không triển khai dự án đúng tiến độ, vin vào đó xin điều chỉnh nhiều hạng mục, dự án…
Ông Thăng cho biết, giá làm đường cao tốc ở Việt Nam cao còn bởi rất nhiều nguyên nhân chủ quan khác, từ việc tổ chức thi công không hợp lý, để thất thoát lãng phí, ăn bớt ăn xén, chuyện nọ chuyện kia A, B... cho đến “bắt tay nhau” để thay đổi biện pháp thi công và cả bệnh thành tích cái gì cũng muốn nhất, cầu dài nhất, trong khi nguồn lực của cả Nhà nước và nhân dân là có hạn.
Giải pháp của Bộ GTVT theo ông Thăng là kiên quyết rà soát thiết kế để đảm bảo sự hợp lý và cương quyết với vấn đề tiến độ. Bộ GTVT đang chấn chỉnh lại theo hướng ràng buộc trách nhiệm người đứng đầu, ngay từ Bộ trưởng.
“Nếu anh phải chịu trách nhiệm trực tiếp trước công việc thì rõ ràng không thể có bê trễ, không thể có chuyện chậm được. Và để giảm suất đầu tư, trách nhiệm của các địa phương cũng không phải là nhỏ. Không chỉ là vấn đề GPMB, mà kể cả ''bệnh oai'' nữa cũng cần được khắc phục”, ông Thăng nói./.