Trong phiên chất vấn Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng chiều nay (18/11), đại biểu Nguyễn Hồng Hà (đoàn Hà Nội) phản ánh: Cử tri quan tâm Bộ GTVT đang nghiên cứu, tiến hành chuyển giao khai thác một số công trình giao thông quốc gia như đường cao tốc, sân bay Phú Quốc, một số công trình BOT để lấy kinh phí bù đắp xây dựng các công trình khác. Việc Nhà nước đầu tư rồi rút vốn, chuyển giao quyền khai thác công trình cho các đối tác theo hợp đồng với các điều kiện… là bình thường trên thế giới nhưng mới ở Việt Nam. Cử tri băn khoăn trường hợp, nếu là đối tác nước ngoài trúng thầu, thời gian khai thác dài có thể thu phí quá cao, có thể thuê nhân công Việt Nam với mức thấp… và có thể ảnh hưởng tới lợi ích của người dân cũng như lợi ích quốc gia. “Xin Bộ trưởng cho biết, cả nước đã và sẽ thực hiện bao nhiêu dự án chuyển giao quyền khai thác, tiêu chí lựa chọn, điều kiện ràng buộc là gì và ưu nhược điểm của hình thức này?” – đại biểu chất vấn.
Về nội dung này, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, hiện nay Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo ngành giao thông thực hiện việc đột phá kết cấu hạ tầng giao thông với một số công trình hiện đại là động lực phát triển kinh tế xã hội của đất nước. GTVT phải thực sự đi trước. Trong khi đó, chúng ta thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, trọng tâm là đầu tư công nên nguồn lực cho đầu tư phát triển ngành GT cũng ngày càng hạn chế. Vì vậy, thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT đề xuất nhiều cơ chế chính sách, huy động các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Chính vì vậy, chỉ trong gần 3 năm qua, việc huy động vốn ngoài xã hội xây dựng kết cấu hạ tầng đạt 160.000 tỷ (bằng 60% tổng vốn đầu tư cả ODA, ngân sách, TPCP cho ngành giao thông). Đây là nỗ lực lớn toàn ngành GT, sự vào cuộc thực sự của DN, nhà đầu tư và của nhân dân.
“Hiện nay, để tiếp tục tạo đột phá, Bộ GTVT đang nghiên cứu việc chuyển giao quyền khai thác kết cấu hạ tầng cho nhà đầu tư khác quản lý, khai thác và thu phí. Chúng tôi coi đây cũng là thực hiện đột phá. Việc này đã làm nhưng phải làm tổng thể và nhiều hơn nữa. Chúng tôi đang thực hiện và báo cáo Chính phủ trên cơ sở qui định hiện hành của pháp luật” – Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh.
Bộ trưởng lấy ví dụ, đường cao tốc chúng ta đã làm được 524 km và đang khai thác. Nếu chúng ta chuyển nhượng cho nhà đầu tư trong và ngoài nước thì thì sẽ lấy tiền này làm tiếp 524 km nữa theo kiểu cuốn chiếu. Như vậy, mục tiêu đến 2020 theo chiến lược có 2000 km đường cao tốc thì hoàn toàn yên tâm. Vấn đề đặt ra là cử tri quan tâm là việc chuyển giao quyền thu phí thì sẽ thu phí cao hơn hay sử dụng nhân lực rẻ.
Hiện nay, tuyến đường Sài Gòn – Trung Lương đã chuyển giao quyền thu phí 5 năm, số tiền đó dùng để tiếp tục đầu tư hạ tầng. Hiện nay, một số nhà đầu tư nước ngoài quan tâm xin chuyển giao toàn bộ thời gian theo hợp đồng đã ký của các nhà đầu tư trước đây. Họ sẽ kế thừa toàn bộ các điều kiện mà nhà đầu tư trước đây đã ký và họ phải thực hiện theo đúng trách nhiệm đó. Tức là mức phí theo qui định của Bộ Tài chính, không thể tăng giá tùy tiện được vì theo các điều khoản hợp đồng. Cho nên không thể thu phí cao được.
Thứ hai, chúng ta đang thực hiện cơ chế thị trường, việc sau này quản lý, vận hành, khai thác muốn thuê người Việt Nam thì phải có giá cả hợp lý. Thực tế, các nhà đầu tư nước ngoài thuê nhân công Việt Nam không phải rẻ mà phải đáp ứng nhu cầu người lao động và người sử dụng. Hơn nữa, chúng ta đã qui định mức lương tối thiểu nên chúng ta phải thực hiện theo qui định của pháp luật.
“Thực hiện chuyển giao nhanh hơn kết cấu hạ tầng đảm bảo đẩy nhanh đầu tư kết cấu hạ tầng, nhưng vẫn đảm bảo các yêu cầu quản lý của Nhà nước” – Bộ trưởng nói./.