Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết, tổng thu ngân sách tháng 10 năm 2021 do cơ quan thuế quản lý ước đạt 121.482 tỷ đồng, bằng 10,9% dự toán. Lũy kế 10 tháng đạt 1.028.866 tỷ đồng, bằng 92,1% dự toán.
Theo Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn, số thu ngân sách tháng 10 tăng cao so với tháng 8 và tháng 9 là do có thu hồi tiền thuế đã hết thời gian gia hạn khoảng 20.000 tỷ đồng, gồm: thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) khoảng 15.000 tỷ đồng, thuế giá trị gia tăng (GTGT) hơn 5.000 tỷ đồng. Số thu một số khoản phát sinh theo quý và năm khoảng 46.300 tỷ đồng (gồm thuế TNDN tạm nộp Quý 3 khoảng 29.600 tỷ đồng, thuế GTGT Quý 3 khoảng 6.500 tỷ đồng, thuế TNCN Quý 3 khoảng 2.500 tỷ đồng, tiền thuê đất kỳ 2 trong năm khoảng 4.000 tỷ đồng, thu cổ tức và lợi nhuận còn lại là 3.741 tỷ đồng).
Như vậy, số thu phát sinh tháng 10 khoảng 55.100 tỷ đồng (tháng 8 là 54.790 tỷ đồng, tháng 9 là 50.772 tỷ đồng). Trong đó, thuế TNCN tháng 10 đạt 9.442 tỷ đồng, đáng chú ý, riêng thuế TNCN từ chuyển nhượng bất động sản tháng 10 khoảng 1.400 tỷ đồng (tháng 8 chỉ 640 tỷ đồng, tháng 9 là 685 tỷ đồng).
Theo đánh giá từ cơ quan quản lý thuế, hoạt động chuyển nhượng bất động sản là một trong những nguồn thu ghi nhận mức tăng đột biến từ đầu năm đến nay, cùng với một số nguồn thu từ ngân hàng, chứng khoán, sản xuất lắp ráp ôtô… giúp số thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý vẫn tích cực.
Cũng trong tháng 10, số thu từ lệ phí trước bạ ước đạt 3.322 tỷ đồng, tăng 72% so với tháng 9 và cao hơn gần 240% so với số thu tháng 8. Nguyên nhân giúp số thu này tăng cao là sau khi các địa phương nới lỏng giãn cách xã hội, các doanh nghiệp và người dân tập trung lượng hồ sơ làm thủ tục trước bạ lớn.
Riêng đối với khoản thu thuế TNDN tháng 10 ước đạt 44.600 tỷ đồng. Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, nguyên nhân là do trong Quý 3 năm 2021, nhiều ngân hàng thương mại chưa thực hiện trích lập đủ quỹ dự phòng rủi ro theo quy định tại Thông tư số 03/TT-NHNN; nhiều doanh nghiệp (DN) chưa hạch toán đủ số chi phí cho hoạt động phòng chống dịch và ủng hộ quỹ vaccine khi tính lợi nhuận để tạm nộp thuế trong 3 quý đầu năm dẫn đến số thuế TNDN nộp cao hơn thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo ông Cao Anh Tuấn, bên cạnh những nguyên nhân khách quan thì để có được kết quả trên là do ngành Thuế đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp quản lý thuế, trong đó, 10 tháng qua, ngành Thuế đã thực hiện được 52.299 cuộc thanh, kiểm tra. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 36.932 tỷ đồng. Trong đó, kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế được 711.467 hồ sơ, bằng 136% cùng kỳ; xử lý điều chỉnh qua kiểm tra trên 2.000 tỷ đồng. Cơ quan thuế đã thực hiện thanh, kiểm tra 269 DN có hoạt động giao dịch liên kết, xử lý điều chỉnh qua thanh, kiểm tra trên 3.200 tỷ đồng.
Cũng trong 10 tháng qua, toàn ngành Thuế thực hiện thu hồi nợ đọng ước đạt 23.100 tỷ đồng, đạt 76,7% chỉ tiêu thu nợ giao. Cơ quan thuế các cấp đã thực hiện xử lý khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền chậm nộp không còn khả năng nộp ngân sách Nhà nước theo Nghị quyết 94/2019/QH14 ước đạt 4.925 tỷ đồng. Lũy kế đến cuối tháng 10/2021 ước đạt 29.080 tỷ đồng. Trong đó, khoanh nợ là 25.682 tỷ đồng; xử lý xóa nợ tiền chậm nộp là 3.398 tỷ đồng.
“Đặc biệt để tạo điều kiện cho DN, người dân sớm tiếp cận và được thụ hưởng những chính sách hỗ trợ của nhà nước. Cơ quan thuế đã tích cực cải cách, hiện đại hóa công tác thu nộp ngân sách và đẩy mạnh công tác tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế. Tính đến cuối tháng 10/2021, đã có tổng số 139.066 đơn đề nghị gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất theo Nghị định 52/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Tổng số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn là 80.576 tỷ đồng”, lãnh đạo Tổng cục Thuế thông tin.
Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn nêu rõ, để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách thì trong 2 tháng cuối năm cơ quan thuế còn phải thu khoảng từ 139.000 đến 140.000 tỷ đồng, bình quân mỗi tháng phải thu tối thiểu 70.000 tỷ đồng.
“Đây là nhiệm vụ rất khó khăn trong bối cảnh, cơ quan thuế tiếp tục thực hiện giảm thuế cho người dân và DN”, ông Cao Anh Tuấn nhận định.
Tuy nhiên, với quyết tâm phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ thu ngân sách được giao, Tổng cục Thuế đã yêu cầu cơ quan thuế các cấp tập trung thu kịp thời số thuế hết thời gian gia hạn vào NSNN; tổ chức đôn đốc, thu hồi nợ quyết liệt trong 2 tháng cuối năm, phấn đấu giảm nợ khoảng 11.600 tỷ đồng. Các đơn vị cần đẩy nhanh tiến độ thanh, kiểm tra, khẩn trương hoàn tất các cuộc thanh tra, kiểm tra để đôn đốc thu kịp thời vào ngân sách trong năm 2021, phấn đấu tăng thu khoảng 9.400 tỷ đồng qua thanh tra, kiểm tra.
“Cơ quan thuế các cấp sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, chủ động xây dựng các chương trình đối thoại với DN bằng hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp tùy theo tình hình dịch bệnh, qua đó, hỗ trợ kịp thời các DN vượt qua khó khăn, tạo nguồn thu ổn định, bền vững cho NSNN”, Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn khẳng định./.