Chính sách hỗ trợ được "mở" hết mức

Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, mới đây, Chính phủ đã đề xuất trình Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội các giải pháp về thuế hỗ trợ doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh khắc phục khó khăn do dịch Covid-19. Điểm nhấn chính trong đợt đề xuất hỗ trợ lần này là gói miễn, giảm thuế lên tới 20.000 tỷ đồng, trong đó, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 30% cho các DN nhỏ và vừa quy mô dưới 200 tỷ đồng.

Đặc biệt, có đến 3 nhóm chính sách lần đầu tiên được cơ quan quản lý đề xuất kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện gồm: giảm 50% số thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các quý III, IV/2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; giảm 30% thuế giá trị gia tăng đối với DN, tổ chức kinh doanh các dịch vụ (vận tải, lưu trú, ăn uống; du lịch, giải trí; sáng tác, nghệ thuật; báo chí, truyền hình; thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác...); miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 đối với DN, tổ chức (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) phát sinh lỗ liên tục trong các năm 2018, 2019, 2020.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng trình Thủ tướng Chính phủ về việc giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2021 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

“Tính chung các chính sách đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính thực hiện từ đầu năm 2021 và các chính sách đề xuất bổ sung nêu trên thì số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất sẽ hỗ trợ cho DN, người dân là trên 138.000 tỷ đồng”, ông Nguyễn Quốc Hưng, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) thông tin.

Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính, trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp hiện nay mà đưa ra những giải pháp giảm thuế và tiền chậm nộp với quy mô như Bộ Tài chính đề xuất đã là cố gắng rất lớn, là trợ lực rất cần thiết cho DN có thêm nguồn lực trước mắt duy trì hoạt động.

“Đây là gói hỗ trợ lớn trong những tháng cuối năm và đặc biệt đối tượng được thụ hưởng chính sách đã được "mở" hết mức nhằm đảm bảo bất cứ người nộp thuế nào cũng sẽ nhận được hỗ trợ về thuế. Tôi đánh giá cao sự hỗ trợ này bởi lẽ Bộ Tài chính đã không "bỏ quên" hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn. Đây là nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

“Phao cứu sinh” cho doanh nghiệp

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhìn nhận, khó khăn của DN 8 tháng năm 2021 khác với năm 2020. Năm 2020, tác động của đại dịch đến các DN đã rất lớn nhưng chủ yếu là trong các ngành như: du lịch, hàng không, dịch vụ, ăn uống… Sang năm 2021, làn sóng Covid-19 lần thứ 4 tại Việt Nam lại tác động trực tiếp đến các DN sản xuất, xuất khẩu khi dịch bùng phát tại các khu công nghiệp, trung tâm kinh tế quan trọng của đất nước như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, TP.HCM, Hà Nội, Long An...

Theo Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng năm 2021 có 85.500 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 43.200 DN, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm trước; 30.100 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 24,5%; 12.200 DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 17,8%. Trung bình mỗi tháng có gần 10.700 DN rút lui khỏi thị trường.

“Mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh với các khu công nghiệp hiện rất lớn. Hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, tình hình xuất khẩu, đảm bảo việc làm cho người lao động chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực trong những tháng còn lại”, ông Đậu Anh Tuấn lo ngại.

Ông Tuấn cho rằng, dịch bệnh mang đến khó khăn chưa từng có, vì vậy, những gói hỗ trợ cũng phải lớn chưa từng có. Mặc dù triển vọng nền kinh tế Việt Nam về trung và dài hạn rất tích cực nhưng các doanh nghiệp có ‘sống sót’ được để khai thác các cơ hội đó hay không lại là vấn đề quan trọng nhất.

“Ở thời điểm dịch bệnh căng thẳng như hiện tại, những giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, địa phương sẽ là những liều vaccine cứu DN thoát khỏi khó khăn do dịch bệnh gây ra”, ông Đậu Anh Tuấn nhận định.

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP.Hà Nội cho rằng, giảm thuế là chiếc “phao cứu sinh” cho DN. Thực tế cho thấy, các chính sách hỗ trợ được ban hành và thực thi đã hỗ trợ rất nhiều cho DN để giảm gánh nặng về tài chính, vượt qua khủng hoảng, khó khăn. Trong bối cảnh hiện nay, một lần nữa dự thảo Nghị quyết của UBTV Quốc hội về một số giải pháp nhằm hỗ trợ DN, người dân chịu tác động của dịch Covid-19 của Bộ Tài chính được chờ đợi như chiếc “phao cứu sinh” cho DN trước làn sóng dịch Covid lần thứ 4 này.

Tuy nhiên, để đảm bảo chính sách đi vào cuộc sống, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, các cơ quan chức năng cần sớm có văn bản hướng dẫn doanh nghiệp làm thủ tục để được miễn, giảm thuế. Về thủ tục, nên tiếp tục kế thừa các quy định tại Nghị định 41/2020/NĐ-CP, Nghị định 52/2021/NĐ-CP để đơn giản hóa thủ tục. Đặc biệt, chỉ cần làm một lần giấy đề nghị giảm thuế là được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng.

“Khi có các văn bản hướng dẫn, cần được tuyên truyền rộng rãi, đồng thời, gửi đến người nộp thuế bằng thư điện tử, qua zalo, hoặc qua đại lý thuế để tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp, để chính sách hỗ trợ đến được với người nộp thuế một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất, đáp ứng mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra. Về phía DN, họ cũng cần bố trí, sắp xếp lại sản xuất, nắm bắt được các chính sách hỗ trợ về thuế, các thủ tục gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất để được hưởng các chế độ ưu đãi về thuế”, bà Nguyễn Thị Cúc khuyến nghị./.