Đánh giá doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp ĐBSCL 6 tháng đầu năm nay của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ cho thấy bức tranh không mấy “sáng sủa”. Đà suy giảm năm 2013 vẫn chưa có điểm dừng khi những số liệu khảo sát mới nhất cho thấy có hơn 57% doanh nghiệp giảm doanh thu, hơn 60% số doanh nghiệp cho rằng năm nay sẽ khó đạt các chỉ tiêu kế hoạch năm. Bên cạnh đó, những khó khăn trong việc phụ thuộc vào một số thị trường nhất định với sự rủi ro cao trong giao dịch đang là nỗi lo, làm cản bước tiến của doanh nghiệp.
Từ tháng 6 đến giữa tháng 8 này, qua khảo sát của Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) với 130 doanh nghiệp ở ĐBSCL có làm ăn với các doanh nghiệp Trung Quốc cho thấy hơn 92% không có thông tin chính thức về đối tác. Phần các doanh nghiệp khi được hỏi cho biết chủ yếu là mua đứt bán đoạn, thanh toán ngay bằng tiền mặt, điều kiện về tiêu chuẩn hàng hóa không quá khắt khe, nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu thô cao. Với câu hỏi “doanh nghiệp làm gì trước những thương vụ Trung Quốc “bẻ kèo”?” thì đa số doanh nghiệp không đưa ra được phương án hay giải pháp nào. Điều này cho thấy, phần lớn doanh nghiệp vẫn còn kinh doanh theo kiểu “liều”.
Ông Phan Kim Sa, Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Một khi chúng ta lệ thuộc thị trường thì rủi ro lớn. Khi có sự cố gì đó thì trở tay không kịp. Tỉnh chúng tôi đang hướng các doanh nghiệp mở rộng nhiều thị trường khác, nâng cao chất lượng sản phẩm. Về lúa gạo thì sản xuất loại phẩm cấp cao; tạo ra những sản phẩm sau gạo, sau lúa có giá trị”.
Theo bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cao cấp, hiện nay doanh nghiệp đang đối mặt với những trở ngại về vốn, cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính, lao động- nhân lực và thuế.
5 năm trở lại đây tình hình vẫn chưa có biến chuyển và ĐBSCL có tỷ lệ doanh nghiệp phá sản, giải thể cao nhất. Khu vực này luôn trong tình trạng khát vốn. Mặc dù, Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp tháo gỡ như tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu ngân hàng, cấp vốn vay ưu đãi cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, bà Phạm Chi Lan cho rằng thời gian qua, các doanh nghiệp đã quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc cả về xuất khẩu cũng như nhập khẩu mà quên đi những thị trường khác rất tiềm năng. Sắp tới, các doanh nghiệp không nên làm theo cách truyền thống là tăng sản lượng mà nên chú trọng chất lượng; phải tận dụng những hiệp định kinh tế sắp được ký kết, tìm hiểu kỹ đối tác tại Trung Quốc trước khi quyết định giao thương.
Theo bà Phạm Chi Lan: “Một số mặt hàng nông sản của Việt Nam đang phụ thuộc vào Trung Quốc như gạo, cao su, trái cây. Do xuất khẩu sang dễ dàng, giá thuận lợi, chất lượng không đòi hỏi cao… Nhưng mặt tiêu cực là Việt Nam bị hạn chế khi buôn bán dễ dãi như vậy mà không cố gắng để nâng cao chất lượng trong khi thị trường thế giới còn rất rộng lớn. Như vậy sẽ dần để một số thị trường tốt hơn về lúa gạo rơi vào các đối thủ khác. Trong khi đó, Việt Nam cứ duy trì gạo phẩm cấp thấp thì không mang lại lợi ích cho nông dân và ngành lúa gạo”.
Tại hội thảo “Kinh tế ĐBSCL trong bối cảnh kinh tế phụ thuộc, những vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm” diễn ra tại Cần Thơ mới đây, Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ cho rằng ĐBSCL được đánh giá là khu vực kinh tế năng động có nhiều doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trong các lĩnh vực: lúa gạo, thủy sản, trái cây.. Nơi đây có khoảng 51.000 doanh nghiệp mà phần lớn là doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp đối mặt với rất nhiều khó khăn khi còn khó tiếp cận nguồn vốn; lượng đơn hàng giảm đáng kể do các khó khăn về thị trường, các rào cản phi thuế quan; giá nguyên liệu đầu vào tăng...
Trước thực trạng này, ông Võ Hùng Dũng nêu rõ ĐBSCL không thể dựa vào phương thức cũ cho thời kỳ mới, nhất là sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Rất cần thiết có một chương trình tư vấn, đào tạo mới cho doanh nghiệp phù hợp với hội nhập kinh tế thế giới. Cần có những hành động, khuyến cáo tìm giải pháp, tìm thị trường tiêu thụ rộng mở, có chất lượng cho hàng hóa nông sản hơn là các giải pháp nâng cao hiệu quả, kích thích sản xuất như thời gian qua. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện mạnh mẽ quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp.
Giao dịch, mua bán các mặt hàng lúa gạo, trái cây… ở ĐBSCL với các doanh nghiệp Trung Quốc thời gian qua có “ngọt ngào” có “chua cay”. Đây không phải là câu chuyện mới và gần đây khi nhắc lại tiếp tục nhận được nhiều quan tâm hơn của doanh nghiệp. Qua đó cho thấy, rủi ro khi làm ăn tại thị trường này không ít nhưng nếu có chiến lược riêng, lâu dài với những bài học được rút ra thì doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có cơ hội khai thác từ thị trường đông dân nhất thế giới này./.