Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, Việt Nam cần đa phương hóa, đa dạng hóa các đối tác, song cũng cần phải tự chủ về kinh tế. Trước diễn biến tình hình Biển Đông phức tạp, có thể tác động đến kinh tế, các doanh nghiệp Việt Nam cần có sự chủ động về sản xuất cũng như thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào một thị trường hay nền kinh tế nào.

Đây là nhận định của nhiều chuyên gia tại Hội thảo “Tự chủ kinh tế trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 3/7 tại Hà Nội.

httc_fzmp.jpg

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, một trong những nguyên tắc quan trọng trong hội nhập kinh tế quốc tế ở nước ta là đa phương hóa, đa dạng hóa các đối tác nhưng phải gắn liền với nguyên tắc tự chủ kinh tế. Sự phụ thuộc quá lớn vào một thị trường nhất định đều có nguy cơ rủi ro khi thị trường này có biến động.

Những con số đưa ra tại hội thảo cho thấy Việt Nam đang nhập siêu rất lớn từ Trung Quốc. Năm 2001, nhập siêu từ Trung Quốc chỉ là 210 triệu USD, nhưng đến năm 2013 nhập siêu đã tăng lên 21,6 tỷ, tức là tăng hơn 100 lần. Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu nông sản, thủy sản lớn của Việt Nam.

Bởi vậy, nếu thị trường này biến động, thì mức độ rủi ro lớn, gây thiệt hại cho người sản xuất và các doanh nghiệp. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc cần chủ động mở rộng thị trường và đổi mới trong phương thức sản xuất, chế biến để tham gia vào nhiều thị trường khác nhau.

Ông Vũ Huy Thủ, nguyên Phó Cục trưởng Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho rằng: Trước đây thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam lớn nhất là ở Trung Quốc. Nhưng hiện nay ngành thủy sản đang tăng cường xuất khẩu thủy sản sang các thị trường như Nhật Bản, các nước ASEAN và châu Âu.

“Để không phụ thuộc thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp thủy sản cũng cần thay đổi phương thức khai thác chế biến để đảm bảo chất lượng, có thể đưa sang các thị trường khó tính, tăng được giá trị xuất khẩu”, ông Thủ nói.

Mặt khác, Việt Nam cũng cần phải chủ động hơn nữa về nguồn nguyên phụ liệu sản xuất, tránh phụ thuộc vào một thị trường. Lấy ví dụ về ngành dệt may, các chuyên gia cho rằng, mặc dù kim ngạch xuất khẩu lớn, song vẫn chủ yếu nhập nguyên phụ liệu từ nước ngoài. Trong đó, nhập tới 46% vải từ thị trường Trung Quốc.

Bà Đặng Phương Dung, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, về lâu dài để phát triển bền vững vấn đề nguyên phụ liệu luôn cần được cân nhắc, chưa nói đến những biến động tình hình Biển Đông.

“Ngành dệt may lâu nay đặt mục tiêu tăng nội địa hóa bằng cách kêu gọi đầu tư vào những ngành đang yếu như dệt, nhuộm hoàn tất. Trong thời buổi hội nhập, phụ thuộc kinh tế lẫn nhau không thể nói tự túc 100%, nên phải tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Khi tham gia vào chuỗi này, chúng ta luôn chủ động và sẽ có vai trò, lợi thế tốt hơn, giảm được nhập khẩu lớn từ Trung Quốc”, bà Dung nêu ý kiến.

Theo các chuyên gia, tự chủ kinh tế ngày nay không có nghĩa là duy trì hoặc tăng tính tự cung tự cấp, mà ngược lại, mỗi quốc gia và doanh nghiệp cần tích cực vào tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày nay, sự phụ thuộc giữa các nền kinh tế là không tránh khỏi, nhất là khi Việt Nam lại quá gần với một nền kinh tế lớn như Trung Quốc.

Các chuyên gia cũng nhận định, mặc dù tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, có thể tác động không nhỏ đến mối quan hệ kinh tế. Song, Trung Quốc không dễ ồ ạt cắt giảm 100% thương mại song phương với Việt Nam. Bởi quan hệ kinh tế hiện nay không còn là quan hệ song phương mà là đa phương. Do dó, Trung Quốc không thể xóa bỏ tất cả các hiệp định, cam kết quốc tế.

Tuy nhiên, theo TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Việt Nam vẫn cần chủ động có những bước đi phù hợp để tránh được các rủi ro, đưa nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững.

“Đây là thời cơ của chúng ta đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế, hội nhập sâu rộng, gắn với những nền kinh tế tốt nhất để chúng ta học hỏi. Thứ hai là đẩy nhanh ký kết các hiệp định thương mại đặc biệt là  hiệp định Việt Nam - EU và Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong năm nay hoặc năm sau. Bên cạnh đó, ngoài những cơ chế giám sát trong điều kiện bình thường, thì cần cơ chế phản ứng nhanh khi có những cú sốc, rủi ro xuất hiện, gắn với trách nhiệm hành động cương quyết và cách ứng xử nhanh chóng, có hiệu lực”, TS. Võ Trí Thành khẳng định./.