Nhu cầu lớn nhưng RAT vẫn khó bán
Với gần 8 triệu dân đang sinh sống và hàng năm đón khoảng trên 21 triệu lượt khách du lịch, Hà Nội cần lượng rất lớn lương thực, thực phẩm an toàn nói chung và rau RAT nói riêng. Sản lượng rau của thành phố Hà Nội đạt gần 600.000 tấn/năm, đáp ứng khoảng 60% nhu cầu của người tiêu dùng, còn lại 40% cung cấp từ các địa phương khác như: Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang… và rau, củ, quả nhập khẩu.
Người tiêu dùng khó tiếp cận rau an toàn. |
Sản xuất rau nói chung và rau an toàn nói riêng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ của Hà Nội nhưng sản phẩm rau an toàn thì đang khó khăn đầu ra. Câu chuyện nghe bất hợp lý nhưng đang là sự thật.
Chị Nguyễn Hương Trà ở Hoàn Kiếm (Hà Nội) chia sẻ: “Mình đang nuôi con nhỏ, rất cần mua RAT để đảm bảo cho bé nhưng cũng không biết địa chỉ nào bán rau an toàn, chỉ ra siêu thị để mua”. Tuy nhiên, theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, RAT vào các siêu thị chỉ chiếm 1,5% tổng sản lượng.
Theo bà Nguyễn Thị Thoa- Trưởng phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội) để rau RAT vào siêu thị thì người nông dân phải ký bản cam kết về tiêu chuẩn, quy định. Nhưng quy định này chỉ phù hợp với những vùng sản xuất rau quy mô lớn. Trong khi đó hầu hết sản xuất RAT là hộ gia đình nhỏ lẻ, điều này đang là “rào cản” trên con đường vào siêu thị, cửa hàng thực phẩm an toàn của RAT.
Năm 2017, Hà Nội đã triển khai 20 mô hình chuỗi an toàn thực phẩm áp dụng theo mô hình quản lý cộng đồng PGS nhằm kết nối giữa vùng sản xuất và doanh nghiệp tiêu thụ, nâng cao trách nhiệm của người sản xuất, niềm tin của người tiêu dùng. Mô hình được áp dụng ở 20 xã, phường, thị trấn thuộc 14 quận, huyện, thị xã với tổng diện tích rau 1.138 ha. Đây là chuỗi cung ứng giúp tiêu thụ RAT.
Mặc dù tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại, thực hiện mô hình chuỗi an toàn thực phẩm… nhưng hiệu quả vẫn chưa cao. “95,2% tổng sản lượng rau an toàn được bán cho thương lái và bán ở chợ đầu mối” – bà Thoa cho biết.
95,2% tổng sản lượng rau an toàn được bán cho thương lái và bán ở chợ đầu mối. |
Siêu thị kêu lỗ khi bán rau an toàn
Ông Vũ Thanh Sơn, Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) phân tích nguyên nhân dẫn đến việc tiêu thu RAT gặp khó khăn. Người tiêu dùng chưa thực sự có niềm tin về sản phẩm RAT, tiêu chuẩn RAT chưa thực sự rõ ràng để người mua có thể phân biệt.
Quy trình sản xuất RAT được ghi nhật ký rõ ràng, thời gian sản xuất RAT cũng lâu hơn so với rau thông thường và đương nhiên giá thành cao hơn. Khi tiêu thụ sản phẩm RAT cũng tuân theo một quy trình nghiêm ngặt, từ đóng bao bì, vận chuyển cho tới bảo quản, chi phí khâu này tiếp tục đẩy giá rau lên cao. Trong khi đó, số người sẵn sàng chi trả mua RAT với giá cao không nhiều, đó cũng là nguyên nhân dẫn đến việc tiêu thụ rau gặp khó khăn.
“Những quầy bán RAT trong hệ thống siêu thị của Hapro đang lỗ, khi lợi nhuận RAT rất thấp không bù được chi phí vận chuyển, bảo quản, tiền điện, mặt bằng…” - ông Vũ Thanh Sơn nói.
Hiện diện tích canh tác rau của Hà Nội là 12.000 ha với 40 loại, chủ yếu gieo trồng ở vụ đông xuân. Định hướng đến năm 2020, thành phố sẽ mở rộng diện tích sản xuất rau lên hơn 16.200 ha, trong đó, có 515 vùng sản xuất rau tập trung với tổng diện tích hơn 6.640ha. Tuy nhiên, trước khi hướng tới mục tiêu mở rộng diện tích RAT thì các cơ quan quản lý cần có biện pháp để “giải bài toán” tiêu thụ RAT./.
Hà Nội đầu tư 110 tỷ đồng sản xuất và tiêu thụ rau an toàn
Hà Nội: Sẽ tăng cường giám sát các cơ sở rau an toàn