Câu chuyện đấu thầu thiết bị y tế được dư luận quan tâm khi vừa qua đã xảy ra tình trạng giá thiết bị, vật tư y tế "đội giá", "loạn giá"; đã có những trường hợp phải xử lý hình sự. Điển hình là vụ việc liên quan đến mua máy xét nghiệm trong đại dịch Covid-19.
Trong cuộc họp với Bộ Y tế mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nêu câu chuyện về thiết bị y tế giá thị trường có 300 triệu đồng mà mua đấu thầu thành 600 triệu đồng.
Hàng loạt câu hỏi được đặt ra là: Có hay không chuyện “nâng khống” giá thiết bị, vật tư y tế mà chủ đầu tư “không biết” hoặc “giả vờ không biết”? Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này? Vai trò quản lý, giám sát của nhà nước trong lĩnh vực này như thế nào?
Phóng viên VOV.VN đã phỏng vấn ông Nguyễn Đăng Trương – Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về các vấn đề vừa nêu.
Ông Nguyễn Đăng Trương – Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) |
PV: Thưa ông, xin ông cho biết nguyên nhân dẫn đến giá vật tư, thiết bị y tế “đội giá”, “loạn giá” như thời gian vừa qua?
Ông Nguyễn Đăng Trương: Tôi cho rằng, có một số nguyên nhân sau: Thời điểm mua sắm khác nhau; Hãng cung cấp, xuất xứ hàng hóa khác nhau; Công suất, hiệu suất khác nhau; Nguồn thông tin tham khảo giá khác nhau…
Trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ được giao thực hiện công tác đấu thầu mua sắm cũng đóng vai trò hết sức quan trọng.
Hiện nay, việc quản lý nhà nước về thiết bị y tế nói chung thuộc trách nhiệm của Cục trang thiết bị y tế (Bộ Y tế), còn về giá thì thuộc lĩnh vực của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính).
PV: Thực tế có thiết bị giá nhập khẩu đến cảng Việt Nam trên 13 tỉ đồng, nhưng giá trúng thầu vào đến bệnh viện hơn 40 tỉ đồng. Ông có thể phân tích sâu hơn về “đường đi” của các thiết bị, vật tư như này thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Đăng Trương: Về mặt thị trường thì nhà thầu nào cũng muốn tối đa hóa lợi nhuận nên chênh lệch giữa giá mua và giá bán là chuyện dễ hiểu của thương mại trong nền kinh tế thị trường.
Còn về từ giá nhập khẩu đến giá trúng thầu cần phân tích trên một số khía cạnh sau: Cuộc đấu thầu đó có thực sự đảm bảo cạnh tranh, minh bạch, công bằng và hiệu quả kinh tế hay không? Việc xây dựng Giá gói thầu có sát giá thị trường hay không? Nguồn thông tin tham khảo để xây dựng giá gói thầu đó có đảm bảo? Chủ đầu tư chịu trách nhiệm ra sao khi phê duyệt giá gói thầu?
Từ giá nhập khẩu kê khai ở Hải quan sau đó còn những yếu tố cấu thành giá bán như thuế, phí, chi phí vận chuyển, lắp đặt, bàn giao, vận hành, chạy thử, bảo hành, bảo trì…
Đấu thầu thiết bị y tế "đội giá": Phải “sửa người” trước khi sửa luật. (Ảnh minh họa: KT) |
PV: Luật Đấu thầu hiện nay cho phép áp dụng nhiều hình thức như đấu thầu rộng rãi, tự thực hiện, đấu thầu rút gọn, chỉ định thầu… Đặc biệt, trong các trường hợp khẩn cấp như thiên tai, dịch bệnh được phép chỉ định thầu. Hạn mức gói thầu được chỉ định không quá 1 tỉ đồng. Lợi dụng cơ chế này, nhiều đối tượng đã cố tình chia nhỏ gói thầu để được chỉ định. Thậm chí, bất chấp quy định, thổi giá vượt hạn mức nhằm trục lợi cá nhân. Giải pháp cho vấn đề này là gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Đăng Trương: Khi áp dụng chỉ định thầu, kể cả trong hạn mức (không quá 1 tỷ, 500 triệu đồng) hoặc những trường hợp được áp dụng chỉ định thầu theo quy định tại Điều 22 Luật Đấu thầu thì đều phải được phê duyệt trong kế hoạch lựa chọn do Người có thẩm quyền quyết định. Do đó, phải gắn trách nhiệm của Người có thẩm quyền, cơ quan thẩm định khi thẩm định kế hoạch, không thể để cho tự tiện chia nhỏ gói thầu (vì việc phân chia gói thầu thì Luật Đấu thầu Điều 33 đã có quy định về nguyên tắc lập kế hoạch đấu thầu và phân chia gói thầu).
Người có thẩm quyền có thể sử dụng cơ quan chuyên môn giúp mình giám sát quá trình lựa chọn nhà thầu theo quy định tại Khoản 2 Điều 126 Nghị định 63/2014/NĐ-CP. Khi phát hiện các hành vi tiêu cực cần kịp thời: hủy, đình chỉ hoặc không công nhận kết quả đấu thầu và kịp thời xử lý cán bộ vi phạm.
Giao việc cho những con người đủ năng lực, kinh nghiệm có chuyên môn, chuyên nghiệp, thực sự hiểu biết pháp luật và có đạo đức nghề nghiệp;
Phân cấp mạnh cần đi đôi với tăng cường hậu kiểm.
PV: Đã có tình trạng đấu thầu, chỉ định thầu đều dẫn đến một kết quả chung là giá thiết bị y tế bị đội cao so với giá nhập khẩu, đường đi của thiết bị lòng vòng, nâng giá. Theo ông, để khắc phục tình trạng trên, cần có cơ chế thế nào?
Ông Nguyễn Đăng Trương: Hiện nay quy định về đấu thầu là phân cấp nên việc chi tiêu sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước đều do các chủ đầu tư, bên mời thầu thuộc các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước thực hiện. Do vậy, vai trò của con người trong tổ chức thực hiện là hết sức quan trọng, luật dù có tốt đến đâu mà người thực hiện cố tình vi phạm để trục lợi thì cần sửa người chứ không phải sửa luật.
Vai trò của người đứng đầu là hết quan trọng, một khi họ nghiêm túc làm việc vì dân vì nước vì công việc của cơ quan thì mới mong khắc phục được. Để khắc phục được tình trạng giá thiết bị y tế đội cao so với giá nhập khẩu thì có thể có một số giải pháp sau:
Về mặt quản lý nhà nước về y tế: Cần xác định rõ nhu cầu điều trị, khám chữa bệnh ở từng tuyến điều trị để định hướng việc mua sắm máy móc, thiết bị y tế phù hợp (cấu hình, tính năng, công suất…). Cần có thông tin chính thống để tham khảo về giá và cấu hình các loại thiết bị từ các hãng sản xuất uy tín trên thế giới;
Tăng cường vai trò của các cán bộ chuyên môn, chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp khi tham gia Tổ chuyên gia đấu thầu;
Việc xây dựng cấu hình thiết bị (đặc tính kỹ thuật, tính năng, công năng, hiệu suất) và giá gói thầu phải thực sự khoa học và sát với nhu cầu sử dụng và giá cả trên thị trường;
Tăng cường vai trò giám sát của cơ quan quản lý, tăng cường hậu kiểm (thanh, kiểm tra, giám sát);
Công khai kết quả đấu thầu. Hiện đã có quy định phải công khai trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia song các chủ đầu tư chỉ thực hiện qua loa, sơ sài mang tính đối phó;
Lựa chọn được tư vấn có năng lực và đạo đức nghề nghiệp;
Tăng cường vai trò của truyền thông, báo chí.
PV: Xin cảm ơn ông!./.