Hội nghị Cấp cao lần thứ 24 Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC 24) đã bế mạc hôm qua, với cam kết của các nhà lãnh đạo thế giới trong nỗ lực chống lại “mọi hình thức của chủ nghĩa bảo hộ”, thúc đẩy việc ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trong đó, một số nhà lãnh đạo đề xuất các nước nên tiếp tục TPP mà không cần sự tham gia của Mỹ, khi Tổng thống mới đắc cử Mỹ - Donald Trump không mặn mà với thỏa thuận thương mại này.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Phát biểu kết thúc Hội nghị Cấp cao lần thứ 24 Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC 24) sau 2 ngày diễn ra tại thủ đô Lima, Tổng thống Peru, Pablo Kuczynski khẳng định, ông chủ trì APEC 24 với nỗ lực thúc đẩy một cơ chế tự do thương mại vì lợi ích của tất cả các nền kinh tế. Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là chủ đề phủ bóng Hội nghị APEC năm nay. Các nhà lãnh đạo của 12 nước thành viên TPP đã nhất trí thúc đẩy các nỗ lực thực thi thỏa thuận thương mại tự do này, trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Mỹ, Donald Trump phản đối hiệp định.
Các nước thành viên TPP nhấn mạnh tầm quan trọng của hiệp định cả về kinh tế lẫn chiến lược trong việc đảm bảo ổn định, thịnh vượng của khu vực, đồng thời tái khẳng định thúc đẩy các thủ tục trong nước, như đưa ra quốc hội phê chuẩn để hiệp định có hiệu lực.
Tổng thống Peru Pablo Kuczynski nói: “Hiện có sự không chắc tại nước Mỹ và ở một số khu vực khác về TPP, do đó đã có những đề xuất chúng ta có thể bỏ qua TPP và hướng tới Khu vực Tự do thương mại châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP). Tuy nhiên đây mới chỉ là một đề xuất và nó cần được hội đồng 12 nước thành viên TPP cùng với ban Thư ký APEC xem xét vấn đề này có thích hợp hay không”.
Chính quyền Mỹ đương nhiệm của Tổng thống Obama nỗ lực hướng tới Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhằm hiện thực hóa tham vọng về một mối giao thương xuyên suốt từ châu Á qua Thái Bình Dương.
Phát biểu trong cuộc họp báo tại Lima hôm qua, Tổng thống đương nhiệm Mỹ, Barack Obama cho rằng: “Cuộc gặp của tôi với các nhà lãnh đạo các nước thành viên TPP là cơ hội để Mỹ nhắc lại cam kết của mình với hiệp định này. TPP bao gồm những tiêu chuẩn cao, bảo vệ mạnh mẽ người lao động, môi trường và quyền sở hữu trí tuệ. Các đối tác của tôi cũng đã cam kết rất rõ ràng sẽ hợp tác với Mỹ. Tôi tin rằng TPP chính là một ưu thế cho nền kinh tế Mỹ, người lao động Mỹ và công việc của người Mỹ”.
Tham gia TPP hay không, Việt Nam vẫn hội nhập sâu rộng với thế giới
VOV.VN - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Dù tham gia TPP hay không thì Việt Nam vẫn tiếp tục hội nhập sâu rộng với thế giới.
Tuy nhiên, chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump lại thể hiện quan điểm “bảo hộ” trong vấn đề thương mại và không ngần ngại gọi TPP là “thảm họa”. Một số nhà lãnh đạo đã đề xuất tiếp tục TPP mà không có sự tham gia của Mỹ, song cũng có những ý kiến cho rằng, việc tái đàm phán là không khả thi.
APEC được thành lập năm 1989, là diễn đàn của 21 nền kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Hội nghị lần này quy tụ các nhà lãnh đạo, quan chức cấp cao và doanh nhân đến từ các nền kinh tế thành viên để thảo luận về tương lai của các chính sách thương mại quốc tế, tăng trưởng kinh tế và cải thiện điều kiện sống. Các nước nhất trí tăng cường hợp tác song phương và phối hợp chặt chẽ để tiếp tục thúc đẩy thành công tại Năm APEC Việt Nam 2017./.