Thời gian gần đây, Ngân hàng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn (Agribank) chi nhánh Đắk Lắk đã tạo nhiều thuận lợi cho  nông dân vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận với nguồn vốn vay. Nhờ đó, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở hai huyện nghèo của tỉnh Đắk Lắk là: M' Đrăc và Lăk có thêm nguồn vốn đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định đời sống.

vov_ngan_hang_sdsc.jpg
Giải ngân cho đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn tại Đắk Lắk (Ảnh: Báo Đắk Lắk)

Những ngày này, bà con người Ê Đê ở buôn Kam, xã Đăk Liêng, huyện Lăk đang vào mùa thu hoạch. Chị H’ Kó B Đáp chia sẻ, bà con trong buôn ai cũng vui vì lúa được mùa, được giá. Vợ chồng chị vừa mua sắm 1 chiếc máy gặt liên hợp. Mỗi ngày máy thu hoạch được hơn 1 ha lúa. Sau khi trừ tiền xăng, tiền công, chị thu về hơn 1,5 triệu đồng.

Ông Nguyễn Hữu Xuân, Giám đốc Ngân hàng Agribank - Chi nhánh huyện Lăk cho biết: Hiện tại, số dư nợ của ngân hàng này là 600 tỷ đồng, với 4.800 hộ vay, trong đó 80% là người dân tộc thiểu số. Bà con vay vốn chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, dùng tiền mua phân bón chăm sóc cho vườn cà phê và ruộng lúa. Trong số gần 5.000 hộ vay, hầu hết đều sử dụng có hiệu quả, chỉ có 151 trường hợp nợ xấu vì sản xuất ảnh hưởng của thiên tai.

Ông Lê Thế Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Liêng cho biết, xã có 2.500 hộ thì gần một nửa là hộ nghèo, chủ yếu là những hộ người dân tộc thiểu số. Những hộ nghèo có kênh vay vốn thuộc Ngân hàng Chính sách xã hội. Nhưng nguồn vốn này không đáp ứng đủ cho bà con nên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Chi nhánh huyện Lăk giúp nông dân trong xã tiếp cận nguồn vốn vay.

Không chỉ riêng ở xã Đăk Liêng mà các hộ dân trên địa bàn huyện Lăk cũng có nhu cầu vốn rất lớn. Về cơ bản, thủ tục hành chính đã cải cách và tương đối nhanh gọn. Tuy nhiên, cũng cần rút ngắn thủ tục hơn nữa để bà con dễ dàng thiết lập hồ sơ vay vốn ngân hàng, ông Lê Thế Anh nêu ý kiến.

Buôn Phao, xã Cư M Ta, huyện M' Đrăk có 100% số hộ đều là người Ê Đê. Năm ngoái đã có 35 hộ vay vốn tại Ngân hàng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn - Chi nhánh M' Đrăk, với số tiền là 1,450 tỷ đồng để phát triển cây mía. Ông Y Wiên Ksơr, buôn trưởng buôn Phao cho biết, buôn này có 80 ha mía và năm nay là vụ thu hoạch mía đầu tiên của buôn, bình quân 1 ha vụ này thu được 42 triệu đồng.

Tạo điều kiện cho bà con dân tộc thiểu số giảm nghèo. (Ảnh: internet)

Năm ngoái gia đình Y Him Ksor Buôn Hoang, xã Krông Jing, huyện M' Đrăc cũng vay Ngân hàng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn - Chi nhánh M' Đrăk 100 triệu đồng. Số tiền này đến tay đúng lúc gia đình đang cần vốn để mở rộng sản xuất. Số tiền đó Y Him Ksor Buôn Hoang đã sử dụng mua 3 con bò, làm chuồng heo, làm hàng rào, và mua phân bón thúc cho mía, cho lúa để có năng suất cao.

Nông dân người dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk xem Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn như một bà đỡ mát tay trong việc xoá nghèo. Ông Nguyễn Đình Diệu, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn - Chi nhánh M’ Đrăk cho biết, thời gian đến đơn vị sẽ mua sắm một xe ô tô chuyện dụng đưa cán bộ ngân hàng đến tận các buôn làng đưa vốn vay đến tận tay nông dân.

Ông Diệu khẳng định, ngân hàng đáp ứng kịp thời cho các hộ khách hàng vay vốn, trong đó đặc biệt là hộ đồng bào dân tộc tại chỗ. Bà con đã sử dụng đồng tiền vốn rất có hiệu quả. Trong các năm gần đây, đời sông kinh tế của một số hộ được nâng lên, mua sắm được nhiều vật dụng trong gia đình, xây dựng được nhà cửa khang trang. Từ đó, nguồn vốn của Ngân hàng thông qua tín dụng nông nghiệp nông thôn đã phát huy được hiệu quả./.