Đây là sự bứt phá kỷ lục của Agribank từ khi thành lập đến nay. Ghi dấu 30 năm thành lập, Agribank tiếp tục khẳng định vai trò đầu tàu trên “mặt trận” nông nghiệp, nông dân và nông thôn, đồng hành cùng nền kinh tế đất nước; “về đích” trước thời hạn kế hoạch tái cơ cấu, tạo nền tảng quan trọng để thực hiện thắng lợi Chiến lược kinh doanh giai đoạn 2016- 2020 gắn với xử lý nợ xấu và quá trình cổ phần hóa theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
“Về đích” trước thời hạn tái cơ cấu, bứt phá về lợi nhuận
Hoạt động trong bối cảnh kinh tế Việt Nam tốc độ tăng trưởng năm 2018 đạt 7,08%, mức cao nhất trong thập niên qua, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới, trong khi kinh tế thế giới có nhiều biến động, còn tiềm ẩn những thách thức khó dự báo; bám sát chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, và diễn biến, dự báo thị trường, bám sát và triển khai Nghị quyết số 23 ngày 24/01/2018 của Ban Thường vụ Đảng ủy Agribank, Nghị quyết 01 của HĐTV Agribank, với dấu mốc kỷ niệm 30 năm thành lập (26/3/1988-26/3/2018), khí thế thi đua sôi nổi đã lan tỏa trên toàn hệ thống ngay từ đầu năm, cùng tinh thần chủ động, quyết liệt trong quản trị điều hành, đoàn kết, sẻ chia, phát huy truyền thống đầy tự hào, hoạt động kinh doanh của Agribank đã đạt được những kết quả nổi bật có ý nghĩa trong việc bồi đắp nền móng cho tương lai vững chắc của một Ngân hàng gắn với sứ mệnh “Tam nông”.
Agribank có sự bứt phá về lợi nhuận năm 2018, đứng vững trong cạnh tranh. |
2018 cũng là mốc tròn 05 năm kể từ thời điểm Agribank bắt đầu quá trình tái cơ cấu. Thực hiện Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 01/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 53/QĐ-NHNN.m ngày15/11/2013 của Thống đốc NHNN, Agribank đã xây dựng và thực hiện thành công tái cơ cấu giai đoạn 1 với nhiều biến chuyển tích cực, cơ bản hoàn thành các mục tiêu quan trọng: Tập trung đầu tư cho “Tam nông”; Xử lý nợ xấu; Thực hiện thoái vốn tại các công ty con hoạt động không phục vụ trực tiếp cho nông nghiệp, nông thôn; Cơ cấu lại tổ chức bộ máy, đặc biệt là hệ thống kiểm tra kiểm soát, kiểm toán nội bộ; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Đẩy mạnh phát triển dịch vụ... Tất cả đều nhằm mục đích hướng đến và phục vụ tốt hơn khách hàng. Bước vào triển khai tái cơ cấu giai đoạn 2 cũng là thực hiện Chiến lược kinh doanh giai đoạn 2016- 2020 gắn với xử lý nợ xấu và quá trình cổ phần hóa, áp dụng những bài học kinh nghiệm rút ra trong thực hiện thành công tái cơ cấu giai đoạn 1, tiếp tục thực hiện các giải pháp có hiệu quả, đến năm 2018, Agribank đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ theo lộ trình, kế hoạch cơ cấu lại: Mạng lưới tiếp tục được sắp xếp lại, hệ thống cơ chế, chính sách được rà soát, chỉnh sửa theo hướng đổi mới trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành, đặc biệt là cơ chế về lao động, kế hoạch, tài chính, tín dụng đã góp phần nâng cao hiệu quả quản trị điều hành, tạo động lực cho người lao động và hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động kinh doanh; Chủ động triển khai công tác chuẩn bị cổ phần hóa và sẵn sàng thực thi khi có quyết định phê duyệt; Tăng trưởng tín dụng được kiểm soát phù hợp với mục tiêu đề ra; Nguồn vốn huy động tăng trưởng ổn định, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và sẵn sàng cạnh tranh lành mạnh với các NHTM khác về lãi suất cho vay.
Agribank tiếp tục về đích trước thời hạn kế hoạch tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016- 2020 . |
Năm 2018, lợi nhuận trước thuế đạt 7.525 tỷ đồng, đây là sự bứt phá kỷ lục của Agribank so với kế hoạch đề ra 5.700 tỷ đồng. Tổng tài sản đạt gần 1.300.000 tỷ đồng; Nguồn vốn đạt gần 1.200.000 tỷ đồng, tăng trưởng 11,8%; Quy mô tín dụng và đầu tư đạt trên 1.200.000 tỷ đồng, tăng 14,6% so với năm trước, trong đó tín dụng đầu tư cho “Tam nông” chiếm 70,5% tổng dư nợ của Agribank; Dịch vụ đạt 5.400 tỷ đồng, tăng trưởng 21%; Nợ xấu theo Thông tư 02 là 1,51%, thấp hơn so với năm 2017; Thu hồi nợ sau xử lý 11.936 tỷ đồng, đạt 104% mục tiêu do HĐTV đề ra; Trích lập dự phòng rủi ro đạt 25.590 tỷ đồng; Tổng nguồn dự phòng xử lý rủi ro còn lại gần 20.000 tỷ đồng, đủ khả năng mua trước hạn toàn bộ nợ đã bán cho VAMC và xử lý kịp thời các khoản nợ xấu phát sinh nếu có trong năm 2019.
Có thể khẳng định, Agribank đã thực sự vượt qua thời kỳ khó khăn, đứng vững trong cạnh tranh, tiếp tục về đích trước thời hạn kế hoạch tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016- 2020.
Khẳng định vai trò đầu tàu trên thị trường tài chính nông thôn
Trong số 1,7 triệu tỷ đồng toàn ngành Ngân hàng đầu tư cho “Tam nông”, nguồn vốn Agribank chiếm đến trên 50%. Agribank triển khai hiệu quả 07 chương trình tín dụng chính sách và 02 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Riêng cho vay xây dựng nông thôn mới, Agribank đã triển khai đến 100% số xã trên cả nước.
Agribank đã thực hiện giảm lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên và thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng đối với khách hàng. Ngay từ đầu năm 2018, Agribank đã chủ động giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với 05 lĩnh vực ưu tiên và các chương trình tín dụng của Nhà nước. Ngoài việc giảm lãi suất cho vay, Agribank còn triển khai 05 gói tín dụng ưu đãi đối với khách hàng pháp nhân và cá nhân với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1%- 1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường.
Cung ứng nhiều sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích đáp ứng mọi nhu cầu thanh toán của khách hàng |
Với mong muốn tăng khả năng tiếp cận vốn và dịch vụ ngân hàng cho mọi người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn, qua đó góp phần đẩy lùi tín dụng đen, triển khai hiệu quả Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, trong năm 2018, Agribank triển khai an toàn, hiệu quả Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng (đã triển khai an toàn 68 điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng với 2.746 phiên, phục vụ gần 300.000 khách hàng tại 357 xã trên toàn quốc, doanh số giao dịch đạt 3.500 tỷ đồng), trên 58.000 tổ vay vốn, phát triển dịch vụ tài chính vi mô, cho vay gần 4 triệu khách hàng hộ sản xuất và cá nhân… Agribank cung cấp trên 200 sản phẩm dịch vụ tiện ích, trong đó không ngừng phát triển các SPDV dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại. Agribank hiện đang cung cấp 40 sản phẩm huy động vốn, 47 sản phẩm cấp tín dụng, 18 sản phẩm thanh toán trong nước, 48 sản phẩm thanh toán quốc tế, 13 sản phẩm kinh doanh vốn, 52 sản phẩm dựa trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại (21 sản phẩm thẻ, 31 sản phẩm E-Banking), 6 sản phẩm dịch vụ ngân quỹ… Trong đó, các sản phẩm: Ứng dụng Agribank E-Mobile Banking; Nhóm dịch vụ Thanh toán trong nước với nhiều tiện ích, Thanh toán thuế điện tử; Thanh toán biên mậu… của Agribank là những sản phẩm dịch vụ đạt Thương hiệu Quốc gia 2018.
Với việc chủ động thực hiện đầu tư tín dụng và cung cấp sản phẩm dịch vụ tiện ích, Agribank đang mở ra cơ hội cho hàng triệu nông dân Việt Nam được tiếp cận với kỹ thuật nông nghiệp hàng đầu trên thế giới, ứng dụng thành quả cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất, kinh doanh, góp phần đưa nền nông nghiệp nước nhà có những bước tiến lớn trong gia nhập “sân chơi” toàn cầu.
Bên cạnh hoạt động kinh doanh, Agribank đi đầu trong phát huy trách nhiệm xã hội thông qua triển khai nhiều hoạt động an sinh xã hội, cùng ngành Ngân hàng có nhiều đóng góp đối với cộng đồng.
2019: Tăng tốc, bứt phá, sẵn sàng cho cổ phần hóa
Agribank đang phấn đấu trở thành một trong 150 ngân hàng có quy mô tài sản lớn nhất khu vực Châu Á vào cuối năm 2020. Định hướng đến năm 2025 đó là giữ vững vị trí Ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam, có nền tảng công nghệ, mô hình quản trị hiện đại, hoạt động kinh doanh đa năng, hiệu quả, phát triển ổn định và bền vững; giữ vai trò chủ lực về tín dụng, cung cấp các dịch vụ, tiện ích ngân hàng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; Hội nhập sâu rộng, đi tắt đón đầu những thành tựu mới trong ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, theo lộ trình và chiến lược cụ thể nhằm phát triển dịch vụ ngân hàng số, cung cấp SPDV tài chính ngân hàng mọi lúc, mọi nơi, mọi đối tượng, hỗ trợ đắc lực cho khách hàng nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Agribank cần triển khai rất nhiều công việc trong thời gian tới: Tiếp tục triển khai thành công tái cơ cấu giai đoạn 2, Đề án chiến lược kinh doanh 2016- 2020; Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án công nghệ thông tin, tạo nền tảng kỹ thuật quan trọng cho phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử và yêu cầu của công tác quản trị rủi ro; Triển khai thực hiện theo lộ trình đảm bảo tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước tại Thông tư 13, Thông tư 41, từng bước hướng tới áp dụng các chuẩn mực an toàn theo Basel II; Nâng cao năng lực tài chính, năng suất lao động, hướng tới mục tiêu hoạt động hiệu quả để cổ phần hóa thành công…
Với những gì đạt được trong năm 2018 cùng nền tảng được dựng xây qua 30 năm, Agribank tin tưởng sẽ tiếp tục có những bước phát triển vững chắc trong năm 2019 và các năm tiếp theo, sẵn sàng vượt qua mọi thử thách, tăng tốc và bứt phá để chào đón thời khắc có tính lịch sử khi chuyển giao từ NHTM 100% vốn Nhà nước sang hoạt động theo mô hình NHTM Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh vì “Tam nông”, nâng cao năng lực cạnh tranh và thành công trong hội nhập./.