Bộ GTVT vừa đề xuất phương án giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là nhà đầu tư, khai thác Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Đề xuất này nếu được chấp thuận, theo Bộ GTVT sẽ giúp Nhà nước chủ động điều hành, quyết định các nhiệm vụ quan trọng, thực hiện công cụ điều tiết vĩ mô phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đảm bảo an ninh, an toàn, phối hợp tốt hoạt động dân dụng và quân sự tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Cũng theo Bộ GTVT, việc giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam làm nhà đầu tư, khai thác sân bay Long Thành sẽ không làm tăng nợ công do không sử dụng vốn ODA.

longthanh_yemq.jpg
Phối cảnh Cảng hàng không Quốc tế Long Thành. (Ảnh: Zing)

Hơn nữa, theo phương án tài chính, nếu được giao là nhà đầu tư, khai thác, hàng năm Tổng công ty Cảng hàng không sẽ có thêm nguồn thu tương đương khoảng 100 - 200 triệu USD để nộp ngân sách hoặc tích lũy đầu tư phát triển các cảng hàng không như Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Điện Biên…góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Câu hỏi quan trọng nhất là Tổng công ty Cảng hàng không thu xếp nguồn vốn như thế nào để đầu tư xây dựng sân bay Long Thành? Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam cho biết, trong tổng vốn đầu tư phần ACV đề nghị đảm nhận là 3,7 tỷ USD, bao gồm toàn bộ khu bay, khu ga, giao thông nội cảng, điện nước… những công trình liên quan tới đảm bảo an ninh an toàn hàng không.

“Tổng vốn khoảng 3,7 tỷ USD thì AVC đảm bảo được 1,5 tỷ USD, còn lại có thể vay thương mại hoặc huy động nguồn lực từ các định chế tài chính”, ông Thanh cho biết./.