Sáng 29/3 tại Hà Nội, nhóm hợp tác ABWR (gồm công ty Hitachi – GE Nuclear Energy và công ty Toshiba) của Nhật Bản đã tổ chức hội thảo giới thiệu công nghệ lò phản ứng hạt nhân tiên tiến ABWR, phục vụ cho Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 dưới sự chủ trì của Bộ Công Thương, Tổng Cục Năng lượng Việt Nam cùng nhiều ban ngành, vụ, viện có liên quan.

img_0153.jpg
Mô hình thiết kế, lắp đặt tổ hợp nhà máy điện hạt nhân của ABWR.

Theo đại diện của ABWR, công nghệ lò phản ứng ABWR là loại lò phản ứng nước nhẹ kiểu nước sôi thuộc thế hệ III+ tiên tiến. Lò đã được cấp phép xây dựng và vận hành ở Nhật Bản, Mỹ và Đài Loan, đáp ứng đầy đủ các quy định và tiêu chuẩn quốc tế.

ABWR cho biết, hiện có 4 lò phản ứng dạng này đang hoạt động, 5 lò đang xây dựng, 14 lò đang có kế hoạch xây dựng để đi vào hoạt động từ đầu năm 2020. Đáng chú ý, với 2 lò phản ứng dạng ABWR đầu tiên đã đi vào vận hành đến nay, đã trải qua 44 năm không xảy ra sự cố nào.

Theo thiết kế, lò ABWR sẽ đáp ứng được các tiêu chuẩn vận hành an toàn cao, và các tiêu chuẩn khắt khe về môi trường. ABWR áp dụng công nghệ xây dựng hiện đại nên rút ngắn được thời gian xây dựng nhà máy (37 tháng) trong phạm vi ngân sách có hạn.

Nhóm ABWR cũng đề xuất lộ trình đào tạo nguồn nhân lực vận hành và bảo dưỡng nhà máy điện hạt nhân dài hạn cho phía Việt Nam. Theo đó, nhóm sẽ tiến hành nhiều chương trình đào tạo nguồn nhân lực hạt nhân thông qua quá trình xây dựng và vận hành lò ABWR.

Được biết, từ năm 2006, ABWR đã tiến hành đào tạo nguồn nhân lực điện hạt nhân cho phía Việt Nam. Quy trình đào tạo được thực hiện tại các trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Điện lực và các cơ quan khác. Tính đến nay đã có khoảng 350 người gồm các sinh viên đại học, cao học, học bổng ngành hạt nhân đã được tuyển dụng làm nhân viên, thực tập hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực này./.