Mới đây, thương hiệu cao cấp của Pháp đã vấp phải chỉ trích gay gắt ở Trung Quốc với bức ảnh nằm trong triển lãm Lady Dior được tổ chức tại Trung tâm Nghệ thuật Thượng Hải. Bức ảnh được thực hiện bởi nhiếp ảnh gia nổi tiếng Trung Quốc Trần Mạn cho thấy một phụ nữ châu Á mặc trang phục truyền thống nước này và cầm một chiếc túi Lady Dior.
Tờ báo Beijing Daily đăng tải bài viết với dòng tiêu đề: "Đây có phải là người phụ nữ châu Á trong mắt Dior?". Trong khi đó, tờ Tin tức Phụ nữ Trung Quốc cho biết trong một bài xã luận rằng cả Dior và thị hiếu thẩm mỹ của các nhiếp ảnh gia đã “đi quá xa”. Tờ báo viết: “Một lần nữa, từ bức ảnh phong cách ma quái này của Dior, khiến công chúng cảm thấy khó chịu, chúng ta dễ dàng nhận thấy “niềm kiêu hãnh và định kiến” về thẩm mỹ và văn hóa của một số thương hiệu phương Tây. Hành vi của họ cho thấy ý định làm xấu phụ nữ Trung Quốc và bóp méo văn hóa Trung Quốc".
Nhà mốt Pháp đã phải hứng chịu cơn giận dữ từ cộng đồng mạng nước này. “Tư bản phương Tây không bao giờ coi người châu Á là con người. Văn hóa phương Tây kinh khủng làm sao! ” một người đã viết trên Weibo. “Họ phân biệt đối xử với người châu Á để phản ánh sự cao quý của thương hiệu này. Ai nói đó là nghệ thuật?”, một người dùng bình luận.
Trong khi hầu hết các bình luận cho rằng bức ảnh duy trì những hình ảnh rập khuôn về phụ nữ châu Á, một số lại ca ngợi việc lựa chọn một người mẫu có làn da ngăm đen - một sự khác biệt rõ ràng so với tiêu chuẩn vẻ đẹp phổ biến ở Trung Quốc, nơi phổ biến sự coi trọng làn da trắng.
Hiện tại, Dior chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào liên quan đến sự việc nhưng hãng đã xác nhận với ấn phẩm Business of Fashion rằng bức ảnh đã bị xóa khỏi triển lãm. Thương hiệu cũng đã gỡ bức ảnh khỏi nền tảng mạng xã hội Weibo của Trung Quốc.
Đây không phải là lần đầu tiên Dior gây tranh cãi ở Trung Quốc. Vào năm 2019, thương hiệu đã có một buổi thuyết trình tại một trường đại học với bản đồ của quốc gia không bao gồm Đài Loan.
Dior, thuộc LVMH, tập đoàn thời trang xa xỉ lớn nhất thế giới, không phải là thương hiệu duy nhất nhận chỉ trích của người dùng Trung Quốc trong những năm gần đây.
Cũng trong năm 2019, nhãn hiệu Dolce & Gabbana của Italy đã buộc phải hủy bỏ một buổi trình diễn thời trang cao cấp ở Thượng Hải sau khi đăng một đoạn video quay cảnh một người mẫu Trung Quốc dùng đũa ăn thức ăn Italy và bị gọi là thiếu tôn trọng trên mạng xã hội.Thương hiệu này vẫn đang phục hồi sau tác động của cuộc tranh cãi và kể từ đó doanh số bán hàng tại Trung Quốc đã giảm đáng kể .
Năm 2020, các thương hiệu bao gồm các công ty toàn cầu H&M và Nike cũng hứng chịu sự phẫn nộ sau khi đưa ra cam kết không sử dụng bông từ khu vực Tân Cương của Trung Quốc./.