Việt Nam được đánh giá là một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn với nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều Di sản văn hóa, Di sản thiên nhiên nổi tiếng, người Việt Nam thân thiện, mến khách. Tuy nhiên, cũng còn nhiều ý kiến phàn nàn về chất lượng sản phẩm du lịch, dịch vụ chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách, nhất là khách quốc tế.
Đến hết tháng 9/2014, cả nước đón hơn 6 triệu khách du lịch, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2013. Tốc độ tăng trưởng của tổng thu từ khách du lịch đang tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng khách du lịch, đóng góp của ngành Du lịch vào cơ cấu GDP đất nước ngày càng lớn trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn.
Anh David và chị Laura, là những du khách người Pháp và Anh cho biết: "Tôi đến Việt Nam lần đầu và đã đi được nhiều nơi như: Hồ Hoàn Kiếm, Sa Pa. Tôi thấy đẹp, giàu bản sắc Việt Nam. Nhưng buổi tối muốn giải trí, thưởng thức nghệ thuật riêng của Việt Nam thì không biết đi đâu? Vì vậy, tôi chưa nghĩ đến việc sẽ nói cho bạn bè của mình hay có ý định trở lại Việt Nam du lịch nếu có dịp. Phong cảnh Việt Nam đẹp nhưng ô nhiễm. Nhiều nơi vẫn còn nhiều rác. Chưa kể là giao thông ở Việt Nam khiến chúng tôi cũng lo".
Anh Đào Tiến Thành, hướng dẫn viên du lịch tại Hà Nội cũng đồng ý kiến đó: "Là một quốc gia ở vùng nhiệt đới, bờ biển dài với nhiều bãi biển đẹp khắp từ Bắc chí Nam, cùng nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, nhưng Việt Nam vẫn chỉ là một địa chỉ khám phá chứ chưa phải là điểm đến nghỉ dưỡng của du khách quốc tế. Việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, các khu nghỉ dưỡng còn tập trung ở các thành phố lớn, chủ yếu khai thác khách lưu trú; việc phát triển các loại hình dịch vụ chưa được quan tâm đúng mức; sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chậm đổi mới; nạn móc túi, cướp giật, không an toàn về giao thông, vệ sinh môi trường, điều kiện chăm sóc y tế… cũng luôn là điều ảnh hưởng đến tâm lý du khách".
"Ở Hà Nội có một số khách sạn 5 sao. Tuy nhiên ra khỏi Hà Nội, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng hết nhu cầu của khách. Trước mắt, tôi nghĩ cần phải đào tạo về con người, du lịch cũng cần quan tâm tới đào tạo về hướng dẫn, đào tạo dịch vụ lái xe. Tuy nhiên, cần phải quan tâm đào tạo về con người, vì làm du lịch vẫn theo kiểu tự phát chứ chưa đi vào chuyên môn và quy mô" - anh Đào Tiến Thành cho biết thêm.
Từ bà Tâm: "Để đạt được chất lượng dịch vụ cao nhất thì tiêu chí phục vụ của chúng tôi bao giờ đào tạo con người để có sự chuyên nghiệp, tâm huyết. Không ngừng bám sát, tăng cường giao lưu gặp gỡ với khách hàng để lấy ý kiến của khách. Càng đáp ứng tối đa như cầu của khách hàng thì càng thành công hơn nữa".
Nhiều chuyên gia cho rằng, để nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, cần tạo sự đồng bộ trong việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch. Không chỉ tăng cường mạng lưới tour, tuyến điểm du lịch mà công tác tuyên truyền quảng bá, xây dựng thương hiệu, xúc tiến mở rộng thị trường mới, củng cố các thị trường tiềm năng, thường xuyên đổi mới chất lượng dịch vụ… cũng cần phải được quan tâm.
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp. Việc nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch là yêu cầu cấp thiết của tất cả các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch nhằm thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của du khách. Song để làm được điều đó, cần sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả của các ngành liên quan, chính quyền các địa phương... trong việc giữ gìn an ninh trật tự, chủ động tạo môi trường du lịch an toàn, thân thiện cho du khách. Nâng cao chất lượng du lịch chính là lời chào mời để Việt Nam luôn là điểm đến hấp dẫn của du khách bốn phương./.