Bốn tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Hải Dương - Quảng Ninh có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, như du lịch lịch sử, văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng với nhiều di sản thiên nhiên, di sản văn hóa thế giới, hệ thống di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh hấp dẫn. Thực tế đó đang đặt ra cơ hội hình thành những chuỗi sản phẩm du lịch đa dạng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch trong và ngoài nước, trên cơ sở liên kết chặt chẽ giữa ngành du lịch của bốn địa phương.

Với vị trí địa lý và cự ly tương đối gần nhau, bốn tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Hải Dương và Quảng Ninh có nhiều cơ hội để liên kết phát triển du lịch. Du khách đi du lịch các địa phương này có thể được tham quan vùng an toàn khu ATK Định Hóa, Hồ Núi Cốc (tỉnh Thái Nguyên); thưởng thức các làn quan họ cổ, tham quan làng nghề truyền thống dọc bờ bắc sông Cầu hay chùa Vĩnh Nghiêm - nơi có kho mộc bản kinh phật được công nhận là di sản tư liệu thế giới, kết hợp tuyến du lịch tây Yên Tử với đông Yên Tử (tỉnh Quảng Ninh); khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, làng gốm Chu Đậu (tỉnh Hải Dương)…

Để khai thác tiềm năng du lịch sẵn có một cách hợp lý, các tỉnh đã và đang triển khai những chương trình phối hợp, kết nối các tour, tuyến du lịch. Ông Nguyễn Thế Chính - Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Bắc Giang cho biết, tỉnh này đã bắt tay liên kết với Quảng Ninh để phát triển điểm đến Yên Tử vì hai tỉnh cùng chung một điểm đến. Bắc Giang và Thái Nguyên có thể liên kết khai thác tour du lịch về nguồn “Từ ATK Hiệp Hòa đến ATK Tỉn Keo - Phú Đình”. Ngoài dã ngoại, tham quan phong cảnh quê hương đất nước, tour du lịch này còn giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ Việt Nam. Hải Dương và Bắc Giang đều nổi tiếng với sản phẩm vải thiều, liên kết tạo chuỗi điểm đến mang tính văn hóa tâm linh: Đền Kiếp Bạc, Thiền viện Trúc lâm - Phượng Hoàng, chùa Vĩnh Nghiêm, khu du lịch Suối Mỡ. Đây là chuỗi điểm đến có khoảng cách gần, ý nghĩa tâm linh cao, dễ thu hút du khách thành tâm tín ngưỡng.

y1_jqdf.jpgThái Nguyên - Bắc Giang - Hải Dương - Quảng Ninh là bốn địa phương có tiềm năng để liên kết phát triển về du lịch, trong đó có các điểm du lịch tâm linh nổi tiếng (ảnh: L.H)

“Để đạt mục tiêu phát triển du lịch, Bắc Giang sẽ phát triển du lịch theo các hướng liên kết về không gian với các tỉnh lân cận như: Hướng thứ nhất dọc theo quốc lộ 1A, từ Hà Nội đi Lạng Sơn, chạy qua địa bàn tỉnh Bắc Giang. Hướng thứ 2 là chạy từ Thái Nguyên và các tỉnh vùng Tây Bắc đi qua Bắc Giang theo tuyến Quốc lộ 37, 31 tới Hải Dương, Quảng Ninh; Hướng thứ ba là khai thác khách du lịch quá cảnh từ Lạng Sơn qua Bắc Giang theo đường 279 xuống Quảng Ninh... Việc liên kết xây dựng tour, xúc tiến quảng bá du lịch sẽ rất thuận lợi”, ông Nguyễn Thế Chính chia sẻ.

Là địa phương có nhiều điểm đến hấp dẫn như Vịnh Hạ Long, Bãi Cháy, Đảo Cô Tô, Đảo Tuần Châu, Núi Yên Tử…, Quảng Ninh luôn nằm trong tốp đầu về phát triển du lịch trong cả nước. Quảng Ninh sẽ hỗ trợ tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Hải Dương trong việc đào tạo nguồn nhân lực, khai thác tiềm năng vốn có để phát triển du lịch hiệu quả…

Ông Trịnh Đăng Thanh - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Ninh cho rằng: “Muốn phát triển du lịch bền vững, cần dựa trên 3 trụ cột: kinh tế, văn hóa - xã hội và môi trường. Việc lựa chọn những nhà tư vấn quốc tế uy tín cùng địa phương tham gia vào công tác quy hoạch, phát triển du lịch là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, cần chú trọng làm tốt công tác quản lý môi trường du lịch, giá cả phục vụ, an ninh trật tự ở các điểm du lịch”.

Nối các tuyến, điểm du lịch để tạo sản phẩm du lịch hấp dẫn và đặc trưng liên vùng, phục vụ nhiều loại đối tượng du khách với các nhu cầu đa dạng khác nhau là yêu cầu cấp thiết. Muốn vậy, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền quảng bá sản phẩm du lịch của các địa phương trong vùng ra với bạn bè.

Ông Đỗ Trọng Hiệp - Tổng giám đốc công ty du lịch Dạ Hương, tỉnh Thái Nguyên bày tỏ: “Thông qua việc chúng ta tuyên truyền bằng những kênh chính thống mang cấp tỉnh và cấp quốc gia, đồng thời các doanh nghiệp có sự liên kết sẽ tạo ra một luồng khách và có sự trao đổi nhau. Ví dụ, dân Quảng Ninh hiện nay hàng ngày ở Hạ Long, tiếp xúc với biển thì có nhu cầu cần phải lên rừng, đi tham quan các danh lam thắng cảnh ở nơi khác. Vì vậy, muốn có điều đó, chúng ta phải quảng bá, liên kết với nhau bằng các tour, tuyến.)

Việc liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương sẽ cho phép khai thác những lợi thế của nhau về tài nguyên du lịch, về hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật và các nguồn lực khác cho phát triển du lịch, tạo ra được những sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao hơn đối với các bên liên quan. Vấn đề là các địa phương phải bắt tay liên kết thực sự bằng những chương trình, việc làm cụ thể.

Ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch cho biết: “Trong thời gian tới, các bên sẽ tăng cường hợp tác các nội dung như công tác xây dựng sản phẩm du lịch mới, kết nối tour tuyến du lịch; liên kết tổ chức sự kiện, hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; hoạt động đào tạo nguồn nhân lực; công tác quy hoạch; chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp”.

Việc liên kết trong phát triển du lịch giữa các địa phương đã được đặt ra từ lâu. Cũng đã có nhiều hội nghị, hội thảo về liên kết du lịch. Tuy nhiên, trong thực tế, thành công của những chương trình này chưa nhiều. Vì vậy, một khi tài nguyên du lịch đã có, cơ sở hạ tầng tương đối đồng bộ, ý chí quyết tâm, hy vọng rằng mối liên kết giữa bốn tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Hải Dương - Quảng Ninh sẽ thực sự mang lại hiệu quả bằng nỗ lực bắt tay của lãnh đạo chính quyền, những người làm du lịch ở các địa phương để hình thành hệ thống sản phẩm du lịch đặc sắc, đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước khi đặt chân đến vùng Đông Bắc của đất nước./.