Để chống các tệ nạn trên đường phố, công an TP HCM đã tổ chức phát tờ rơi nhắc nhở khách du lịch, đặc biệt là người nước ngoài phải tự bảo vệ tài sản cá nhân khi đi lại nơi công cộng. Trong tờ rơi bằng tiếng Anh có nhan đề “Du lịch an toàn: Phòng hơn chống” này có một số nội dung cảnh báo (tạm dịch sang tiếng Việt) như sau: “Tội phạm bạo lực rất hay xảy ra tại TP HCM. Hãy giữ túi xách của bạn luôn bên người, không đeo các các đồ trang sức quý và cố gắng không để lộ liễu máy ảnh và điện thoại di động…”.

“Đây là hành động móc túi hành khách một cách trắng trợn của lái xe không trung thực. Hãy lựa chọn các hãng taxi đáng tin cậy như Vinasun và Mai Linh”.

Ngoài ra, trên tờ rơi còn khá nhiều nội dung như việc đưa ra lời khuyên hữu ích khác như “Không nên coi việc mặc cả là hành động bất nhã. Không nên trả tiền ngay khi chủ hàng ra giá, nhất là trong khu du lịch” hay “Phải chú ý, cẩn thận với xe máy trên đường đi”…

to_roi_xels.jpgCông an TP HCM phát 'tờ rơi' cho du khách nước ngoài (ảnh: PLO).
Hành động này đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Một số ý kiến cho rằng đây là hành động gây tổn hại đến uy tín của đất nước, là vạch áo cho người xem lưng. Tuy vậy, hành động này cũng nhận được nhiều khen ngợi, vì cho rằng đây là việc làm cần thiết. 

Để dư luận có cái nhìn đa chiều về câu chuyện này, chúng tôi có cuộc phỏng vấn với ông Hà Văn Siêu – Phó tổng cục trưởng, Tổng cục Du lịch Việt Nam về vấn đề này.

 PV:Qua câu chuyện phát tờ rơi để nhắc nhở du khách nước ngoài bảo vệ tài sản của mình ở nơi công cộng của công an phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP HCM cũng như những ý kiến trái chiều của nhiều người thì ở góc độ du lịch, ông đánh giá thế nào về việc làm này?

 Ông Hà Văn Siêu:Ở mức độ cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch, tôi cho rằng, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là Chính quyền địa phương đang nỗ lực xây dựng một hình ảnh Việt Nam, một điểm đến an toàn và thân thiện. Những năm gần đây, đặc biệt là những trung tâm du lịch lớn, có số đông khách du lịch đã xảy ra nhiều hiện tượng mất an toàn, cướp giật tài sản, gây tổn hại đến du khách.

Những động thái của Chính quyền địa phương để tạo ra một môi trường an toàn, thân thiện, bằng cách cảnh báo, đưa các thông tin để cho khách biết, đặc biệt là khách vãng lai, khách tự do. Còn khách du lịch qua các Công ty lữ hành thì đã có chương trình, những hành động của Công ty mà thông qua hướng dẫn viên, cũng như những khuyến cáo, cảnh báo rồi.

Chính quyền địa phương cũng rất lo lắng, lo chung cho vấn đề an ninh, an toàn cho điểm đến, có đưa ra các thông tin để cho khách được biết trước, cũng như cách phòng ngừa, tuy nhiên cách thức mà thể hiện thông tin khuyến cáo, cảnh báo đến với du khách cần hợp lý không tạo cho khách một sự sợ sệt hoặc là hoang mang, tạo ra những hiệu ứng phản cảm về hình ảnh và đất nước con người Việt Nam, điểm đến với cảm xúc tiêu cực.

Tôi cho rằng nếu như những cảnh báo gây sốc thì cũng không nên, làm cho khách có sự lo sợ thì chúng ta phải xem xét lại.

 

Nội dung tờ rơi bằng tiếng Anh.
PV:Cảnh sát ở nhiều nước như Pháp, Na Uy và cả Mỹ thường đưa ra cảnh báo an toàn cho các các du khách, bao gồm cả phát tờ rơi, để họ có thể bảo vệ bản thân mình tốt hơn, bên cạnh nhiều biện pháp khác. Vậy còn ở Việt Nam thì điều này lại bị coi là vạch áo cho người xem lưng, là làm xấu nền du lịch nước nhà. Theo ông quan điểm của ngành du lịch thì sao?

 Ông Hà Văn Siêu:Tôi cho rằng nếu như lưng mình mà đẹp thì vạch ra cũng được, lưng không đẹp thì chúng ta cũng vạch ra một cách khéo léo, miễn làm sao du khách đến đây được đón một cách tốt nhất. Mà nếu có gì chưa tốt thì cũng phải có thông tin trước để khách không bị bất ngờ. Thế rồi, các hình thức bằng tờ rơi, hay bằng thông tin, kể cả trên thông tin đại chúng hoặc là qua những luồng thông tin khác nhau, thì mọi thông tin đều có giá trị đối với du khách. Những thông tin và cách thể hiện làm sao cho nó nhẹ nhàng, không tạo ra những cảm xúc nặng nề, phản cảm làm du khách lo ngại.

PV: Việc bảo vệ du khách là một trong những cam kết của ngành du lịch Việt Nam trong năm nay, và một trong đó là việc thành lập lực lượng cảnh sát du lịch. Vậy hiện nay công việc này đang tiến hành như thế nào, thưa ông?

 Ông Hà Văn Siêu:Hiện nay, Chính phủ đã có chỉ thị 18 về bảo đảm an ninh, an toàn môi trường du lịch tại các điểm đến, giao cho Bộ Công an nghiên cứu, xây dựng đề án để thành lập cảnh sát du lịch. Đó là những cố gắng từ phía Nhà nước để tìm những giải pháp tạo ra một môi trường du lịch nó an toàn, thân thiện, hấp dẫn cũng như thu hút khách đến Việt Nam, để khách có một ấn tượng tốt đẹp về Việt Nam. Và lực lượng cảnh sát du lịch ngoài cái nhiệm vụ để bảo vệ cái môi trường lành mạnh cho du khách, thì cũng làm những nhiệm vụ thông thường như quy định. Đây còn là quá trình nghiên cứu để xây dựng đề án, và tính khả thi của đề án, các cơ quan chức năng và Bộ Công an sẽ nghiên cứu, sẽ trình bày trước Chính phủ.

PV:Thưa ông, để phát triển du lịch cần sự hỗ trợ liên ngành. Thế nhưng bấy lâu nay đây vẫn là vấn đề chưa tháo gỡ được bởi cứ mạnh ai người nấy làm. Qua câu chuyện công an TP HCM phát tờ rơi để cảnh báo du khách quốc tế, phải chăng là một tín hiệu tích cực cho thấy bắt đầu có sự hợp tác của các ngành khác đối với ngành du lịch nước nhà?

Ông Hà Văn Siêu:Ngành Công an ở cấp cơ sở đã vào cuộc cùng ngành du lịch, cùng với quản lý đô thị và quản lý thị trường cũng như Chính quyền địa phương. Đó là một dấu hiệu có sự tham gia của các cấp, các ngành địa phương cùng với sự phát triển du lịch. Trung ương đã có sự thành lập cơ quan chỉ đạo Nhà nước về du lịch và nhiệm vụ của ban này là kết nối các Bộ, các ngành, các địa phương trong việc chỉ đạo, của việc liên kết, liên ngành. Và ở địa phương với lực lượng cảnh sát có việc làm như vậy là những hành động cụ thể.

PV: Nhiều người cho rằng hình ảnh du lịch Việt nam đang bị ảnh hưởng bởi những sự việc tưởng chừng như rất nhỏ, đó là việc các sân bay ở Việt Nam bị đánh giá là tồi tệ nhất Châu Á, là nạn lừa đảo, chặt chém khách du lịch ở các thành phố lớn... khiến du khách đa phần một đi không trở lại. Ý kiến của ông về nhận định này như thế nào?

Ông Hà Văn Siêu:Tôi cho rằng là các điểm đến thì đều có những vấn đề tốt, vấn đề chưa tốt. Việt Nam là điểm đến mới nổi thu hút khách du lịch nước ngoài, chúng ta còn có nhiều vấn đề cần phải lo lắng như đầu tư, xây dựng, phát triển sản xuất, phát triển sản phẩm, phát triển hạ tầng, cũng như là quản lý điểm đến, trong quá trình phát triển thì vẫn còn những vấn đề bất cập.

Những hiện tượng mà chúng ta thấy trong thực tế còn những hạn chế là lẽ đương nhiên. Cần một quá trình hoàn thiện dần, những yếu tố dịch vụ kém chất lượng sẽ bị loại bỏ. Ví dụ như là những cái gần đây đánh giá về chất lượng dịch vụ sân bay, rồi hiện tượng chèo kéo du khách, rồi chặt chém… dần dần sẽ bi loại bỏ. Đối với môi trường cạnh tranh lành mạnh thì những sản phẩm dịch vụ nào kém chất lượng sẽ bị khách hàng tẩy chay.

Chúng tôi yên tâm rằng là nếu như có sự vào cuộc chung tay của các cấp, các ngành, các bên liên quan trong quá trình phát triển thì điểm đến Việt Nam tương lai sẽ luôn hấp dẫn du khách. Chúng ta không lo ngại đến việc du khách một đi không trở lại.     

PV:Vâng, xin cảm ơn ông!./.