Trước một số ý kiến phản ứng trái chiều, Công an phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP HCM đã ngừng việc phát tờ rơi bằng tiếng Anh cho du khách để làm giải trình và chờ ý kiến chỉ đạo từ cấp trên. Sau sự việc này, VOV.VN nhận được nhiều ý kiến ủng hộ từ các nhà quản lý, người nước ngoài và các độc giả.
Cảnh báo là cần thiết
Trước đây vì không có khuyến cáo như vậy nên anh Jesse Peterson, quốc tịch Canada đang công tác tại Việt Nam đã vài lần bị mất điện thoại và laptop. Anh vẫn giữ thói quen như ở Canada là không khóa cửa nhà, quên khóa xe…Bởi vậy, anh Peterson cho rằng việc công an phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP Hồ Chí Minh phát tờ rơi cảnh báo du khách về nạn trộm cướp hoành hành trên địa bàn nhiều du khách nước ngoài là đáng khích lệ.
Anh Peterson cũng nhấn mạnh, giải pháp cho vấn đề này chính là: lực lượng công an cần mạnh tay với hành vi trộm cắp, cướp giật tích cực hơn nữa nhằm xóa bỏ tệ nạn này. Chứ không phải ngồi nghe những người nước ngoài bị mất cắp như tôi lên phường giải trình. “Giờ đã đến lúc phải quét dọn hết cái mớ hỗn độn này để trộm cắp không còn là đại dịch tại đất nước VN xinh đẹp”- anh Peterson bày tỏ.
Cách thể hiện thông tin trong tờ rơi cần khéo léo hơn
Vấn đề khiến anh Peterson băn khoăn là câu chữ trong tờ rơi chưa được khéo. “Giả sử tôi mang những tờ rơi này về nước tôi, giống như bao du khách khác, thì người nước tôi sẽ nghĩ Việt Nam là một đất nước bất ổn, trộm cắp đầy rẫy”.
Đồng tình với việc này, ông Hà Văn Siêu – Phó tổng cục trưởng, Tổng cục Du lịch Việt Nam cũng cho rằng Công an phường Phạm Ngũ Lão phát tờ rơi nhằm hỗ trợ du khách là việc cần làm. Tuy nhiên, cách thức thể hiện thông tin khuyến cáo, cảnh báo đến với du khách cần hợp lý không tạo cho khách một sự sợ sệt hoặc là hoang mang, tạo ra những hiệu ứng phản cảm về hình ảnh và đất nước con người Việt Nam, điểm đến với cảm xúc tiêu cực.
“Tôi cho rằng nếu như lưng mình mà đẹp thì vạch ra cũng được, lưng không đẹp thì chúng ta cũng vạch ra một cách khéo léo, miễn làm sao du khách đến đây được đón một cách tốt nhất. Mà nếu có gì chưa tốt thì cũng phải có thông tin trước để khách không bị bất ngờ. Thế rồi, các hình thức bằng tờ rơi, hay bằng thông tin, kể cả trên thông tin đại chúng hoặc là qua những luồng thông tin khác nhau, thì mọi thông tin đều có giá trị đối với du khách. Những thông tin và cách thể hiện làm sao cho nó nhẹ nhàng, không tạo ra những cảm xúc nặng nề, phản cảm làm du khách lo ngại.”, ông Hà Văn Siêu nói.
Nên tiếp tục phát tờ rơi
“Trước một việc làm trách nhiệm của tập thể công an phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1 chúng ta cần nhiệt tình ủng hộ”, độc giả Nguyễn Minh Hùng nêu quan điểm của mình và cho rằng: “Cấp trên cũng cần ủng hộ và nhân rộng đến các khu du lịch trên cả nước. Đây là việc làm đầy trách nhiệm và tự trọng của chính quyền phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1, TP.HCM”.
Độc giả Hà Thành chia sẻ câu chuyện của bản thân: “Tôi có một người anh, khi ở Pháp đã được cảnh sát Paris cảnh báo là "không được để ví tiền ở túi sau". Bản thân tôi đi ô tô ở Paris cũng được cảnh báo "không để đồ vật đắt tiền trên ghế ngồi đằng sau". Cho nên việc thử nghiệm của Công an phương Phạm Ngũ Lão, TP HCM cũng không làm người khách hiểu lầm đâu”. Độc giả Hà Thành cũng cho rằng nên ghi rõ các đường dây nóng của cảnh sát và bệnh viên để du khách có thể gọi khi cần.
“Hãy tiếp tục!” là ý kiến của độc giả Lê Trung Tuấn. “Thực tế là tại TP HCM cướp giật lộng hành thì ta phải cảnh báo cho khách du lịch để họ phòng. Người nước ngoài đến Việt Nam là họ đã thích Việt Nam, ta phải coi trọng họ. Nếu họ bị cướp giật, bị trộm cấp thì thể diện của chúng ta cũng bị mất chứ không phải là khi phát tờ rơi. Tôi tin rằng những người hiểu biết sẽ đánh giá cao công tác phòng chống và trung thực chia sẻ thông tin như đã làm” độc giả Lê Trung Tuấn khẳng định./.