1. Hồi lên lớp 5, tôi phải ở trọ vì trường cách xa nhà hàng chục cây số. Hồi đó, mọi người đi lại chủ yếu bằng xe đạp và đi bộ, chứ chưa có ô tô, xe máy nhiều như bây giờ. Một hôm trời trở lạnh đột ngột, tôi rét run tới lớp với chiếc áo mỏng vì mẹ chưa kịp chuẩn bị quần áo rét gửi lên. Ngay buổi chiều hôm đó, tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy thầy giáo chủ nhiệm đưa cho tôi chiếc áo len mà tôi thường mặc vào mùa rét.

thay%20co.jpg
Nghề giáo luôn là một nghề vô cùng cao quý và được cả xã hội tôn trọng (ảnh: KT)

Cuối tuần, được mẹ đón về, tôi mới biết thầy đã đạp xe hàng chục cây số về tận nhà để lấy áo rét cho tôi. Mẹ tôi kể lại, buổi trưa hôm ấy, bà ngạc nhiên khi thấy một người đàn ông gầy gò, đạp chiếc xe cà tàng, mặt mũi tái xám vì lạnh hỏi thăm nhà tôi. Thầy bảo, thấy tôi rét quá nên tan giờ dạy, thầy đạp xe về nhà tôi để lấy thêm quần áo ấm cho tôi. Đó chỉ là một trong nhiều việc tương tự mà thầy đã làm không chỉ cho tôi mà cho nhiều bạn ở trong lớp. Học với thầy, chúng tôi không chỉ được học kiến thức mà chính sự thương yêu, quan tâm của thầy là hành trang để chúng tôi bước vào đời.

Đến tận bây giờ, dù đã gần 30 năm trôi qua, mẹ tôi vẫn còn rưng rưng mỗi khi kể lại những câu chuyện cảm động này.

2. Ngày đầu tiên chúng tôi vào học cấp 3, có một người còn khá trẻ hỏi thăm vào lớp tôi. Dù đoán rằng là thầy giáo chủ nhiệm, nhưng một số bạn đã quá khích buông lời chọc ghẹo, tảng lờ gọi thầy là “bạn” nhưng chỉ thấy thầy mỉm cười.

Trong những năm đầu thầy làm chủ nhiệm, lũ học trò nhiều lần làm thầy phải phiền lòng với những trò bồng bột, dại dột của tuổi mới lớn. Ban giám hiệu nhà trường đã bày tỏ lo ngại vì thầy còn quá trẻ, mà học trò lại quá nghịch ngợm sẽ ảnh hưởng tới chất lượng dạy và học.

Nhưng sau những trò nghịch ngợm của chúng tôi, thầy không quở mắng, trách phạt mà thường kể những câu chuyện rất dí dỏm, liên hệ với những việc chúng tôi làm, để mỗi đứa tự thấy đúng sai trong hành động của mình và tự thấy phải thay đổi.

Có lẽ nhờ phương pháp “điều trị” đó nên chỉ sau đó hơn 1 năm, chúng tôi tự đi vào nền nếp. Cuối năm cấp 3, lớp thầy chủ nhiệm đạt khá nhiều thành tích với gần 100% đỗ Đại học, có tới 3 trò đạt giải quốc gia Tin học, trong đó có 1 bạn đi thi quốc tế. Những kết quả đạt được, thầy là người có công rất lớn trong việc truyền đạt kiến thức và “uốn nắn” cho những học sinh đang tuổi mới lớn như chúng tôi.

Đã gần 20 năm chúng tôi rời xa mái trường, xa những người thầy, người cô kính yêu, trong đó có thầy chủ nhiệm. Và cũng ngần ấy năm, thầy luôn dõi theo bước từng học sinh chúng tôi. Mỗi lần thầy trò có dịp hội ngộ, thầy có thể “đọc” được đứa nào làm việc ở đâu, cuộc sống như thế nào. Và trong lòng mỗi người luôn ghi nhớ sự dạy dỗ của thầy, người mà chúng tôi có thể vừa coi là một người bạn để có thể chia sẻ, một người thầy để chúng tôi học tập và noi theo.

3. Con gái tôi năm nay học lớp 2. Cũng giống như chúng tôi thuở bé, con gái tôi luôn dành sự ngưỡng mộ tuyệt đối với những người thầy, người cô của mình. Được hỏi về ước mơ sau này,  cháu và rất nhiều bạn cùng lớp đều có chung câu trả lời “Con muốn làm cô giáo”.

Trong mắt con trẻ, thầy cô luôn là một hình tượng vô cùng đẹp đẽ, lúc nào cũng sáng lung linh. Chẳng vậy, có những việc, bố mẹ nói, có khi con còn phải đắn đo, suy xét, nhưng mỗi lời thầy cô, như “khuôn vàng thước ngọc”, khiến con răm rắp làm theo.

Thời nào cũng vậy, nghề giáo luôn là một nghề vô cùng cao quý và được cả xã hội tôn trọng. Không chỉ trong xã hội ngày trước, mà kể cả thời nay, đa số thầy cô luôn là người tâm huyết, hết lòng vì sự nghiệp trồng người. Có nhiều thầy cô đã hy sinh cả tuổi thanh xuân, hy sinh hạnh phúc riêng chỉ vì khát khao được đem con chữ đến với các trẻ em ở vùng sâu, vùng khó khăn.

Nhiều tấm gương của các thầy cô đã và đang tạo sự xúc động trong xã hội, thậm chí nhiều người còn hy sinh cả tính mạng của mình vì sự nghiệp trồng người. Mới đây thôi, hai cô giáo trẻ ở trường mầm non xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai không quản mưa lũ để đến trường và không may đã bị lũ cuốn trôi. Các cô ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ, để lại niềm thương tiếc cho gia đình, người thân và cả xã hội.

Có những thầy, cô với cơ thể không lành lặn, nhưng họ đã vượt qua tất cả nỗi đau về thể xác và sự vất vả, khó khăn để thực hiện ước nguyện được truyền đạt những kiến thức của mình cho các em học sinh. Điển hình là tấm gương thầy Nguyễn Ngọc Ký, mà hầu như trong tâm trí của những học trò ở thế hệ chúng tôi và nhiều thế hệ đều in đậm câu chuyện về thầy. Rồi tấm gương thầy giáo Khanh Rong trường THCS Thạnh Trị (xã Thạnh Trị, huyện Thạnh Trị, Sóc Trăng). Dù bị cụt cả hai tay và mù một mắt, nhưng thầy vẫn kiên trì để trở thành thầy giáo dạy vẽ cho học sinh trong trường suốt hàng chục năm qua…

4. Những ngày gần đây, dư luận xôn xao về việc đánh nhau giữa giáo viên và học sinh ngay trên bục giảng ở trường THPT Nguyễn Huệ, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Clip đã gây ra nhiều phản ứng trái chiều, trong đó tập trung vào việc lên án hành động của người thầy trong clip. Sự phẫn nộ đó cũng rất dễ lý giải bởi hành động phản giáo dục của một người thầy trong môi trường Sư phạm. Bất kể lý do gì, thì việc tát học sinh như trên “võ đài” của người thầy trong clip cũng khó có thể được chấp nhận.

Hình ảnh từ clip thầy trò đánh nhau trên bục giảng

Không chỉ đến bây giờ, dư luận mới phẫn nộ vì những hành động như thế này của những người được vinh dự được là “thầy giáo”, mà những hành động tương tự cũng đã xảy ra ở một số nơi như cô chửi trò tục tĩu ở trường THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng, chuyện thầy “gạ tình lấy điểm” ở Trường Đại học Tây Nguyên…

Dẫu biết rằng, đây chỉ là những “con sâu làm rầu rồi canh” nhưng những việc làm này cũng không khỏi làm dư luận lo lắng về sự nghiệp giáo dục đào tạo hiện nay. Tại một Hội nghị về giáo dục, nhiều vị Giáo sư có uy tín trong ngành Giáo dục cũng bày tỏ lo lắng về nhân cách học đường, trong đó có nhân cách người thầy hiện nay.

Giáo dục là một ngành đặc thù, có sự ảnh hưởng vô cùng lớn đến xã hội. Đặc biệt, nhân cách của người làm thầy ảnh hưởng rất lớn đến rất nhiều thế hệ học sinh. Nên chăng, ngay từ khi tuyển chọn đầu vào, ngành giáo dục nên có những cơ chế đặc thù để tuyển chọn được những người thực sự có tâm huyết với nghề, tránh tình trạng nhiều học sinh thi vào ngành Sư phạm cũng chỉ là để giải quyết vấn đề học phí và việc làm như hiện nay.

Và hệ quả của nó rõ ràng đang phát tác trong xã hội là ngày càng có rất nhiều những thầy cô với những phương pháp giảng dạy “phi giáo dục” như thầy giáo trong clip trên là một điển hình.

Cùng với đó, ngành Giáo dục liệu đã thực sự có sự quan tâm thỏa đáng đến đời sống các thầy cô? Nhiều người than thở rằng, họ không sống nổi với đồng lương giáo viên “ba cọc, ba đồng”. Khi cuộc sống khó khăn, khiến con người ta, nhất là những người không đủ bản lĩnh có thể tìm mọi cách để mưu sinh, thậm chí làm liều như việc “cho điểm, bán điểm”; việc dạy thêm mặc dù đã có lệnh cấm…

Thật không công bằng nếu trong clip trên, dư luận chỉ chĩa mũi nhọn vào người thầy mà không nhìn nhận lại con em mình đang hành xử như thế nào. Các bậc làm cha mẹ sẽ nghĩ gì khi xem hình ảnh cậu học trò nhảy lên đánh thầy như trong trận đánh nhau của bọn côn đồ. Đạo làm trò hiện nay xuống cấp đến mức báo động thế sao?

Trong trường hợp này, người thầy dù là người có lỗi, đáng bị xử lý nghiêm nhưng đối với học sinh có những hành động trái luân thường đạo lý, cũng cần phải xử lý một cách nghiêm khắc.

Và điều quan trọng hơn, ngành Giáo dục và những bậc làm cha mẹ cũng cần nhìn nhận lại, đừng để đạo đức học đường xuống cấp đến mức vô phương cứu chữa./.