Chiều nay (3/11), Viện Pasteur TP HCM công bố kết quả của Chương trình nghiên cứu vaccine Dengue giai đoạn 3. Những kết quả khả quan của chương trình nghiên cứu này cho thấy có thể hy vọng nhiều vào việc ra đời một loại vaccine chủng ngừa bệnh sốt xuất huyết Dengue.

vaccine_spyx.jpgPGS. TS Trần Ngọc Hữu (ảnh trái) trình bày về kết quả nghiên cứu vắc xin sốt xuất huyết Dengue

Chương trình nghiên cứu vaccine Dengue do công ty Sanofi Pasteur thực hiện bắt đầu từ hơn 20 năm qua, có sự tham gia của Viện Pasteur Việt Nam. Giai đoạn 3 của nghiên cứu nhằm xác định hiệu quả của vaccine được thực hiện tại châu Á  từ năm 2011 đến 2013.

Nghiên cứu được thực hiện trên 10.000 trẻ em có độ tuổi từ 2 đến 14 ở các quốc gia có tỷ lệ bệnh sốt xuất huyết lưu hành cao như Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Các em được tiêm 3 liều vaccine sốt huyết hoặc giả dược với khoảng cách các liều là 6 tháng.

Tại Việt Nam, nghiên cứu do Viện Pasteur TP HCM thực hiện tại thành phố Long  Xuyên và Mỹ Tho, với trên 2.300 trẻ tham gia. 

Kết quả chung của giai đoạn 3 ở 5 quốc gia cho thấy nhiều hiệu quả từ loại vaccine này. Vaccine làm giảm được 88,5% ca sốt xuất huyết thể nặng, giảm 67% nguy cơ nhập viện do sốt xuất huyết, ngừa được 56,5% các ca mắc sốt xuất huyết có triệu chứng. Kết quả nghiên cứu được xem là dấu mốc quan trọng trong lịch sử phòng chống sốt xuất huyết Dengue.

Hiện tại, trên thế giới chưa có bất kỳ loại vaccine ngừa sốt xuất huyết nào. Nghiên cứu sẽ tiếp tục giai đoạn cuối cùng đến tháng 11/2017 để theo dõi tính an toàn lâu dài của vaccine.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Hữu, Chủ nhiệm nhóm nghiên cứu vaccine ngừa sốt xuất huyết tại Việt Nam cho biết: “Giai đoạn 3 là giai đoạn bắt buộc trước khi lưu hành vaccine. Khi vaccine được cấp phép lưu hành thì cũng là lúc bắt đầu giai đoạn 4 để tìm ra những biến cố hiếm gặp khi sử dụng vaccine cũng như đánh giá hiệu quả lâu dài của vaccine trên cộng đồng”./.