Sáng nay (8/5), tại TP HCM, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế tổ chức buổi tập huấn về công tác chẩn đoán, điều trị các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thường gặp hiện nay như tay chân miệng, sởi, thủy đậu, sốt xuất huyết… cho cán bộ y tế các tỉnh thành phía Nam.

tay-chan-mieng.jpg
Ảnh minh họa

Hiện nay, cả nước hiện có 17.410 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 2 trường hợp tử vong; gần 8.000 trường hợp sốt xuất huyết trong đó  4 ca tử vong. Tại phía Nam, một số tỉnh có số ca mắc cao và có nguy cơ bùng phát tay chân miệng và sốt xuất huyết như TP HCM, Bà Rịa -Vũng Tàu, Kon Tum, Cà Mau…

Tại buổi tập huấn, một số bệnh viện lớn tại TP HCM như Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhiệt đới đã chia sẻ những kinh nghiệm trong chẩn đoán, điều trị bệnh tay chân miệng, bệnh rubella, sốt xuất huyết, thủy đậu… Cục Quản lý khám chữa bệnh cũng lưu ý nếu các sở y tế nếu thấy bệnh viện tuyến quận, huyện có kỹ thuật điều trị như bệnh viện tuyến tỉnh thì phải thẩm định và cho phép thực hiện. Đây là một trong những biện pháp để phân luồng, phân tuyến trong giải quyết các bệnh truyền nhiễm đang tăng cao như hiện nay.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế nhấn mạnh: “Sởi là bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp, có vaccine rồi nhưng vẫn có dịch mà dịch không đơn giản. Còn tay chân miệng, sốt xuất huyết chưa có vaccine, virus gây nên suy giảm miễn dịch, nên lây sẽ rất nguy hiểm. Trước đây, rất nhiều trường hợp tay chân miệng phải được điều trị bằng lọc máu do suy đa phủ tạng, suy toàn thân”./.