Tự dưng thấy người sốt cao từng cơn kèm đau đầu, chị Hội (ở Nguyễn Khang-phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) nghĩ mình chỉ bị sốt virus bình thường, chỉ cần truyền nước vào là khỏi. Thế nhưng truyền nước xong, chị vẫn không thấy bệnh có dấu hiệu thuyên giảm.
Sau khi điều trị tại nhà, chị Hội càng thấy mệt rã rời cứ như người bị hụt hơi, trên da bắt đầu xuất hiện ban đỏ. Lúc này chị Hội mới đến Bệnh viện Giao thông Vận tải khám thì mới biết mình bị bệnh sốt xuất huyết.
Sau 3 ngày điều trị theo phác đồ của bệnh viện, hiện sức khỏe chị Hội đã ổn định và được xuất viện.
Mặc dù đã được về nhà, nhưng chị Hội vẫn còn yếu và mệt. Chị cho biết: “Sau khi biết tôi bị sốt nghi mắc sốt xuất huyết, cán bộ trạm y tế phường cũng đã tới thăm hỏi, tuyên truyền về các biện pháp tránh lây lan dịch bệnh đối với người thân và cộng đồng như ngủ màn, diệt loăng quăng, bọ gậy, vệ sinh môi trường xung quanh chỗ ở...”.
Theo chị Hội, gia đình chị rất chú trọng trong việc vệ sinh môi trường, tuy nhiên, sau khi cán bộ y tế tới kiểm tra thì chị mới tả hỏa phát hiện những vật dụng trong gia đình chứa nước đọng như máng nước sau tủ lạnh lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh.
“Mặc dầu tôi luôn chú ý tới việc phòng tránh bệnh sốt xuất huyết, tránh muỗi đốt, nhưng quả thực có những nguy cơ tiểm ẩn trong gia đình mà không phải lúc nào mình cũng kiểm soát được”, chị Hội lý giải.
Tính đến thời điểm hiện nay, phường Yên Hòa có 9 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Đây là ổ dịch sốt xuất huyết đầu tiên trong năm tại thủ đô.
Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cùng với chính quyền địa phương đã khoanh vùng, dập dịch, không để ổ dịch mới phát sinh. Theo thống kê, từ đầu năm cả thành phố có 112 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Các ca bệnh rải rác tại các quận, huyện; ổ dịch duy nhất được phát hiện là tại Cầu Giấy.
Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại dịch có thể gia tăng trong tháng 8. Thông thường sau 4-5 năm, chu kỳ dịch bệnh sẽ bùng phát. Năm 2014 là năm thứ 5 tính từ năm 2009 - thời điểm xảy ra dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, dù được tuyên truyền nhưng nhận thức của người dân về công tác phòng chống bệnh, phát hiện bệnh sốt xuất huyết chưa cao. Do đó công tác tuyên truyền người dân về cách phòng chống bệnh sốt xuất huyết cần được tăng cường, đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới. Cụ thể là tuyên truyền về biểu hiện của bệnh, mức độ nguy hiểm, phương thức lây truyền, cách điều trị bệnh…
“Do bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc đặc trị và không có vaccine nên các biện pháp phòng bệnh là vấn đề cần được chú trọng. Phòng bệnh sốt xuất huyết không chỉ là nhiệm vụ của ngành Y tế, các cấp chính quyền mà người dân và cộng đồng cũng cần phối hợp chặt chẽ, chủ động thu gom phế thải, diệt bọ gậy, chống muỗi; chủ động nằm màn tránh muỗi đốt. Khi có biểu hiện sốt, người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và tư vấn điều trị”, ông Hạnh nhấn mạnh.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết thêm, qua thống kê của Sở Y tế Hà Nội trong thời gian qua cho thấy, trên 70% số hộ gia đình hợp tác phun hóa chất, diệt bọ gậy, còn lại khoảng 20% số hộ gia đình chưa hợp tác. Do đó, người dân cần phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế để làm tốt công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết xuất, tránh nguy cơ bùng phát dịch bệnh./.